Edinburgh là nơi gần 3/4 cử tri ủng hộ Anh ở lại EU. Tại Scotland, tỉ lệ cử tri bỏ phiếu ở lại EU chiếm 62%. Biểu tình cũng đã diễn ra tại thủ đô London (ảnh), nơi tỉ lệ ủng hộ “Brexit” chỉ đạt 40%, tức kém 13% so với các địa phương khác.
Hai ngày sau khi Anh công bố kết quả trưng cầu ý dân, trang web của Quốc hội Anh đã đăng một kiến nghị đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân lần hai vì trưng cầu ý dân lần đầu không hội đủ 60% cử tri đồng ý “Brexit”. Tính đến 7 giờ tối 25-6 (giờ Việt Nam) đã có hơn 1,1 triệu chữ ký ký tên vào kiến nghị.
Báo The Independent ghi nhận số người truy cập vào trang này đông đến nỗi có lúc trang web bị nghẽn. Khu vực London có đông người ký tên vào kiến nghị nhất. Dự kiến kiến nghị còn đăng trên mạng đến ngày 25-6.
Ngoài ra còn một kiến nghị thứ hai đăng trên trang web change.org (Mỹ) cũng thu được hơn 100.000 chữ ký ủng hộ London độc lập (“londependance”).
Kiến nghị lập luận London là TP quốc tế và hơn 60% cử tri ở đây đã bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU, vậy khi Anh rời EU thì London sẽ tách khỏi Anh và ở lại EU. Thị trưởng London Sadiq Khan đã ra thông cáo đề nghị London được cùng chính phủ tham gia quá trình đàm phán với EU về ra khỏi EU.
Báo The Independent nhận định kiến nghị trên trang web của Quốc hội Anh có thể sẽ có tác động. Ủy ban phụ trách về kiến nghị trên mạng trực thuộc Quốc hội đã cam kết giải quyết mọi kiến nghị thu thập từ 10.000 chữ ký trở lên trong 21 ngày.
Nếu kiến nghị vượt quá 100.000 chữ ký, ủy ban trên sẽ chuyển kiến nghị cho Quốc hội thảo luận. Người phát ngôn Hạ viện Anh đã thông báo ủy ban nêu trên sẽ họp ngày 28-6 để xem xét kiến nghị. Tuy nhiên, Quốc hội không bắt buộc phải xem xét như thế.
Tình hình trực tiếp đệ trình chính sách về một vấn đề chung (như nạn nhập cư, chương trình học trong nhà trường) thông qua kiến nghị tập thể đã được tiến hành ở Anh từ năm 2011. Dù vậy, hình thức này vấp phải nhiều phản đối bởi lẽ Quốc hội Anh vẫn kiểm soát kiến nghị. Năm 2014, báo The Guardian (Anh) chỉ trích kiến nghị trên mạng chỉ là trò hề vì ủy ban phụ trách có thể dập tắt kiến nghị từ trong trứng nước và phần lớn kiến nghị chẳng được đoái hoài.
Ở Mỹ, trang web “We the People” được lập cùng thời điểm với trang web kiến nghị của Quốc hội Anh. Mọi kiến nghị thu thập từ 25.000 chữ ký trở lên đương nhiên được Nhà Trắng trả lời. Dù vậy, hình thức dân chủ trực tiếp mới xuất hiện trong thời đại kỹ thuật số này không dẫn đến thay đổi gì thực sự.
Sau vụ xả súng ở Trường Tiểu học Sandy Hook tại Newtown năm 2012, đích thân Tổng thống Obama đã phát biểu trong băng video gửi những người ký tên trong kiến nghị về kiểm soát súng. Thế nhưng đến nay tình hình chẳng có gì thay đổi. Bằng chứng là vụ thảm sát ở Orlando rạng sáng 12-6 làm 49 người chết, 53 người bị thương.