Đoàn giám sát Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa có kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang có 2.163 lao động đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, lao động là người Đài Loan 1.240 người, Trung Quốc 896 người (chiếm 97,31% và chủ yếu làm việc tại Công ty Formosa).
Đường vào Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: VIẾT LONG
Vị trí công việc và trình độ chuyên môn của lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành và nhà quản lý. Tỉ lệ lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động ngày càng tăng và đảm bảo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương.
Tuy nhiên, dự án Formosa sử dụng nhiều nhà thầu phụ, với nhiều tầng cấp trung gian, có thời điểm tại các công trường của dự án có đến hàng trăm nhà thầu phụ có sử dụng lao động là người nước ngoài. Mặt khác, số lao động nước ngoài cũng liên tục biến động theo tiến độ của dự án, dẫn đến công tác quản lý, theo dõi người nước ngoài làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân, theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một số quy định pháp luật hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất, thậm chí còn bị lợi dụng… Nên thời gian qua, nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động. Tình trạng số lao động làm việc trên địa bàn có sự biến động liên tục qua các năm cũng gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, một số nhà thầu vẫn chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài. “Chế độ thông tin báo cáo thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó và thiếu kịp thời, nhiều nhà thầu còn đưa ra các quy định quá cao về ngoại ngữ (nghe, nói, viết thông thạo) hoặc yêu cầu quá cao về chuyên môn để loại lao động Việt Nam ra khỏi quá trình tuyển chọn. Vì vậy, nhiều dự án, nhiều hạng mục công trình có nhu cầu sử dụng lao động với số lượng lớn nhưng tỉ lệ lao động Việt Nam được tuyển dụng rất thấp…” - báo cáo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định.
Theo đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất Bộ Công an sớm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú để tăng cường công tác quản lý, tránh tình trạng bị lạm dụng sự thông thoáng về thủ tục xuất nhập cảnh để lao động không có giấy phép tại Việt Nam.
Xuất khẩu lao động mang về 4.000 tỉ đồng/năm Theo số liệu của địa phương, giai đoạn 2010-2017, Hà Tĩnh có 50.270 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.300 người. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc... Hoạt động xuất khẩu lao động đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người lao động và nguồn ngoại tệ cho địa phương, chỉ tính riêng số tiền người lao động gửi về cho gia đình đạt trên 4.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, lao động làm việc ở nước ngoài còn vi phạm pháp luật sở tại như cư trú bất hợp pháp khi đi xuất khẩu, bỏ trốn. Xuất khẩu lao động cũng tạo nên nhiều hệ lụy như vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, vấn đề hạnh phúc gia đình, nhất là với những gia đình có phụ nữ đi xuất khẩu lao động. Tình trạng người đi xuất khẩu lao động đem về nguồn lực kinh phí tốt, tuy nhiên lại chỉ tập trung vào xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị, đồ đạc sinh hoạt cá nhân, ít đầu tư phát triển sản xuất do đó chưa phát huy tốt được những nguồn lực này trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương… |