Hơn 200.000 dân Mỹ chết vì COVID-19, ông Trump hứng chỉ trích

Mỹ đã ghi nhận ca tử vong thứ 200.000 vào hôm 22-9, đánh dấu một cột mốc nghiệt ngã mới của nước này khi chỉ còn vài tuần nữa là cử tri Mỹ đi bỏ phiếu quyết định liệu Tổng thống Trump có xứng đáng tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo đất nước hay không, đài Channel News Asia đưa tin.

Theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, tính đến cuối ngày 22-9, Mỹ đã có 200.182 người tử vong và 6,86 triệu người nhiễm COVID-19, căn bệnh quái ác do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Mỹ hiện là quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới trong nhiều tháng qua. Tiếp đến là Brazil, Ấn Độ với lần lượt 137.272 và 88.935 người chết.

Nhìn chung, Mỹ chiếm 4% dân số thế giới nhưng số ca tử vong lại chiếm đến 20% so với tổng số ca tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới.

Tổng thống Trump bị chỉ trích nặng nề khi số ca tử vong tăng cao

Một số người cho rằng số liệu về dịch bệnh cho thấy chính quyền Tổng thống Trump đã không đáp ứng được bài kiểm tra nghiêm ngặt nhất trước cuộc bầu cử lớn sắp diễn ra vào ngày 3-11 tới.

"Trước những lời nói dối và sự kém cỏi của ông Donald Trump trong sáu tháng qua, chúng ta đã chứng kiến mạng sống người dân Mỹ đã bị tổn hại nặng nề nhất trong lịch sử" - ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu hôm 21-9.

Phát biểu trước cuộc họp đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng đã đổ lỗi cho Tổng thống Trump về việc số người nhiễm và tử vong do COVID-19 tăng vọt. Bà cho rằng thông tin sai lệch và sơ suất chết người của Tổng thống Trump,  bao gồm cả việc ông ấy che đậy bản chất thảm khốc của loại virus này đã khiến nước Mỹ chịu hậu quả nặng nề.

Ông Tom Frieden, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama nói rằng COVID-19 sẽ là nguyên nhân gây tử vong thứ ba của Mỹ trong năm nay. Hiện số người Mỹ chết vì bệnh tim và ung thư vẫn nhiều hơn COVID-19.

“Số người chết do COVID-19 cao khủng khiếp đã phản ánh sự thất bại của đội phản ứng quốc gia" - ông Frieden nói.
 
Nhiều người chỉ trích chủ nhân Nhà Trắng đã thoái thác trách nhiệm, đẩy hoàn toàn quyết định ứng phó khủng hoảng cho các thống đốc bang.

Một người biểu tình ở TP Los Angeles mang biểu ngữ, đổ lỗi cho Tổng thống Trump về việc 200.000 người tử vong vì COVID-19. Ảnh: AFP/CNA

“Chúng tôi nhận một loạt chỉ đạo điên cuồng trên khắp đất nước khiến chúng tôi hoàn toàn bối rối. Chúng tôi cần một phản ứng thống nhất, chặt chẽ, mạnh mẽ và mang tính quốc gia" - ông William Schaffner, giáo sư chính sách y tế tại ĐH Vanderbilt, nói với hãng tin AFP

CDC tuần này lại tiếp tục đưa ra một hướng dẫn đi ngược với những hướng dẫn trước đó, nói rằng virus có thể lây lan qua "các hạt nhỏ như sương khi người bệnh hít thở. Tuy nhiên, đến ngày 21-9, cơ quan này lại bác bỏ thông tin trên và nói rằng thông tin được đăng tải là do nhầm lẫn.

Về phần mình, Tổng thống Trump vẫn khẳng định rằng Mỹ đã làm tròn công tác chống dịch và đang nhanh chóng phê duyệt vaccine COVID-19 để tăng cơ hội tái đắc cử của ông.

"Chúng tôi sẽ phân phối vaccine, chúng tôi sẽ đánh bại virus, chúng tôi sẽ chấm dứt đại dịch và chúng tôi sẽ bước vào một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng, hợp tác và hòa bình chưa từng có" - ông Trump nói trong một thông điệp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22-9.

Ông Trump trước đây đã tuyên bố rằng vào tháng 4-2021, hầu hết những người Mỹ muốn được chủng ngừa sẽ có vaccine. Nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng đặt cược vào vaccine không phải là một chiến lược khả thi. Họ cho rằng, nếu không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và không tăng cường xét nghiệm thì hàng chục người Mỹ khác vẫn có thể chết trước khi cuộc sống của người dân Mỹ trở lại bình thường.

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng

Đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới cũng đang tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào tuần trước, chỉ trong bảy ngày thế giới đã ghi nhận thêm 2 triệu ca nhiễm-con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tính đến sáng 23-9, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 31.777.987 người, trong đó có 975.471 người tử vong. 

Số người chết vì COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 975.000 người. Ảnh: AFP/CNA

WHO cho biết, gần như tất cả các khu vực trên thế giới đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trong tuần trước, trong đó châu Âu và châu Mỹ chứng kiến số ca mắc mới tăng lần lượt là 11 và 10%.

Trong khi đó, tại châu Phi, dịch bệnh lại đang có chiều hướng giảm. Thống kê mới nhất của WHO cho thấy dịch bệnh ở khu vực này giảm 12% so với một tuần trước đó.

Theo WHO, điều đáng mừng là mặc dù số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đang tăng nhanh nhưng số ca tử vong vì dịch bệnh lại có chiều hướng giảm xuống.

Tuần trước, toàn thế giới ghi nhận khoảng 37.700 trường hợp tử vong mới liên quan đến COVID-19, giảm 10% so với tuần trước. Trong đó, khu vực châu Mỹ có số ca tử vong giảm nhiều nhất, giảm đến 22% so với một tuần trước đó. Ngoài ra, châu Phi cũng ghi nhận số ca tử vong giảm 16%.

Tại châu Âu, một số quốc gia đang trải qua đợt lây nhiễm thứ hai. Số ca tử vong mới ghi nhận ở khu vực này cũng tăng thêm 4.000 người trong khoảng thời gian bảy ngày, tương đương với tăng 27% so với một tuần trước đó.

Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Anh cũng báo cáo số ca nhiễm mới cao nhất trong tuần qua, trong khi Hungary và Đan Mạch có số ca tử vong mới tăng cao. Nước Anh tiếp tục ghi nhận ca tử vong cao nhất của châu Âu với gần 42.000 người chết vì đại dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới