Tính đến 19 giờ 15 ngày 28-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 212.494 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.083.445 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.294, số ca nhiễm tăng 24.508.
Người dân tới bãi biển Bondi (Úc) lướt sóng sau khi bãi biển mở cửa trở lại. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, thế giới ghi nhận 935.137 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (56.803), Ý (26.977), Tây Ban Nha (23.822), Pháp (23.293), Anh (21.092), Bỉ (7.331), Đức (6.126), Iran (5.877), Trung Quốc (4.633), Hà Lan (4.566).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (1.010.507), Tây Ban Nha (232.128), Ý (199.414), Pháp (165.842), Đức (158.758), Anh (157.149), Thổ Nhĩ Kỳ (112.261), Nga (93.558), Iran (92.584), Trung Quốc (82.836).
Dự báo Mỹ có hơn 74.000 người chết vào tháng 8
Theo mô hình dự báo của ĐH Washington (Mỹ) mà các quan chức Nhà Trắng và nhà chức trách y tế công cộng của các bang ở Mỹ trích dẫn, đến tháng 8 Mỹ có thể chứng kiến hơn 74.000 người tử vong do COVID-19.
Một y tá ở bên ngoài BV Elmhurst tại New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Cuối ngày 27-4 (giờ Mỹ), Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc ĐH Washington dự đoán số người tử vong do COVID-19 tại Mỹ tính đến ngày 4-8 sẽ là 74.073. Con số dự báo mới này tăng nhiều so với con số ước tính 67.000 cách đây một tuần và 60.000 cách đây hai tuần.
Tuy nhiên, con số dự đoán 74.073 có giảm so với con số dự báo 90.000 được đưa ra cách đây một tháng.
Giám đốc IHME Christopher Murray cảnh báo số người chết ở Mỹ sẽ tăng lên nếu các bang mở cửa kinh tế quá sớm.
Một số bang của Mỹ đã nới lỏng các hạn chế đối với doanh nghiệp và cũng sẵn sàng giảm bớt các lệnh cấm.
Singapore: Lượng nhiễm lao động nhập cư có thể cao hơn số chính thức
Singapore ghi nhận có 528 ca nhiễm mới trong ngày 28-4, đưa tổng số ca nhiễm lên 14.951. Hiện quốc gia 5,7 triệu dân này đã có gần 15.000 ca nhiễm -một trong những nước có số ca nhiễm cao ở châu Á.
Một phần lớn số ca nhiễm này nằm ở bộ phận hơn 300.000 lao động nhập cư gốc Nam Á. Trong số các ca nhiễm mới ngày 28-4 chỉ có tám ca là công dân hoặc thường trú nhân Singapore.
Singapore ngày 28-4 lo ngại số người lao động nhập cư nhiễm COVID-19 có thể cao hơn con số thống kê chính thức.
Nhân viên y tế giúp một người lao động nhập cư bước lên xe cứu thương tại một khu ký túc cho người nhập cư ở Singapore. Ảnh: REUTERS
Ngày 28-4, Indonesia ghi nhận thêm 415 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 9.511. Trong ngày 28-4 Indonesia cũng mất thêm tám người nữa vì COVID-19, đưa tổng số người chết tính đến lúc này là 733.
Để ngăn dịch lây lan, chính phủ Indonesia đã ra lệnh cấm người đạo Hồi về quê trong tháng ăn chay Ramadan. Tuy nhiên, nhiều người đã vội trở về quê trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 1-5 tới - ngày tháng lễ Ramadan bắt đầu. Năm ngoái ước tính đã có 19,5 triệu người di chuyển về quê trong tháng lễ Ramadan.
Ủy ban Cứu trợ Quốc tế: Khả năng sẽ có 1 tỉ người nhiễm tại 34 nước có chiến tranh, khủng hoảng
Theo đài CNN, Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) ước tính có thể sẽ có tới 1 tỉ người nhiễm COVID-19 tại những quốc gia bị chiến tranh tàn phá hoặc bị ảnh hưởng vì khủng hoảng nếu không nhanh chóng thực hiện các hành động kiềm chế dịch bệnh lây lan.
IRC cảnh báo rằng trong kịch bản xấu nhất, có thể có tới 3,2 triệu người chết tại những quốc gia nói trên.
Một thành viên của Phòng vệ dân sự Yemen xịt khử trùng một xe tải ở Sanaa. Ảnh: GETTY
Những quốc gia mà IRC nhắc tới gồm 34 nước: Afghanistan, Burundi, Bangladesh, Burkina Faso, Chad, Cameroon, CAR, Chad, Colombia, Côte d’Ivoire, DRC, El Salvador, Ethiopia, Hy Lạp, Iraq, Jordan, Kenya, Lebanon, Liberia, Libya, Mali, Myanmar, Niger, Nigeria, Pakistan, Sierra Leone, Somalia, Nam Sudan, Syria, Tanzania, Thái Lan, Uganda, Venezuela và Yemen.
Trong một tuyên bố, IRC cho hay họ đưa ra dự báo trên dựa trên mô hình và dữ liệu của ĐH Hoàng gia London và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Chuyên gia châu Âu: Không có vaccine ngừa COVID-19 cho tới cuối năm 2021
Chuyên gia Pasi Penttinen thuộc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết theo “kịch bản lạc quan nhất”, sẽ không có vaccine ngừa COVID-19 cho tới cuối năm 2021.
"Việc phát triển vaccine là một quá trình vô cùng phức tạp và tốn kém” - ông Penttinen nói với hãng Sky News. Ông nói thêm rằng việc phát triển vaccine đòi hỏi nhiều giai đoạn thử nghiệm trên người để đảm bảo vaccine an toàn và hiệu quả.