Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động là công dân nước ngoài và triển khai các hiệp định song phương về BHXH do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 19-6 tại Hà Nội.
Báo cáo về tình hình người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho thấy chỉ trong vòng hơn 10 năm số lao động người nước ngoài ở Việt Nam tăng từ hơn 12.600 người năm 2004 lên đến hơn 83.500 người năm 2015. Lao động thuộc diện được cấp phép chiếm tới hơn 93% số lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam.
TP.HCM là địa phương có đông lao động người nước ngoài làm việc nhất với hơn 20.300 người, chiếm tới 24,3%, tiếp theo là Bình Dương với hơn 12.000 người (chiếm 14,4%), Hà Tĩnh (8,4%), Hà Nội (7,6%), Đồng Nai (7,4%)…
Lao động người nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Số lượng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam liên tục tăng đòi hỏi cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền của người lao động di cư, đặc biệt là quyền đối xử bình đẳng về an sinh xã hội. Luật BHXH năm 2014 của Việt Nam đã quy định người lao động nước ngoài sẽ tham gia BHXH bắt buộc kể từ năm 2018.
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BHXH. Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Đối tượng áp dụng của nghị định sẽ có người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động tại Việt Nam và cả người sử dụng lao động”.