Theo người dân, việc cá chết diễn ra rải rác từ giữa tháng 9, đến những ngày đầu tháng 10 thì số lượng cá chết tăng đột biến. Cá chết chủ yếu là cá trắm cỏ, cá mè hoa với trọng lượng từ 0,5 đến 1,5 kg.
Cá được người dân nuôi lồng chết hàng loạt trước ngày thu hoạch.
Đang thu nhặt từng con cá chết nổi trong lồng bè, bà Phạm Thị Gái (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân) cho biết gia đình bà tận dụng nguồn nước sông Đại Giang để thả nuôi 5 lồng cá trắm cỏ và cá mè hoa nhằm tạo kế mưu sinh cho gia đình.
“Nhận thấy cá trắm cỏ và cá mè hoa đem lại hiệu quả kinh tế khá, lại thích hợp với nguồn nước sông và ít xảy ra dịch bệnh nên hơn một năm trước, vợ chồng tôi thả nuôi gần 1.000 con cá giống. Đến nay, cá đạt trọng lượng từ 500 g đến 1,25 kg và chuẩn bị thu hoạch nhưng không hiểu tại sao cá lại đột ngột bị chết với số lượng lớn, thiệt hại ước tính gần 20 triệu đồng” - bà Gái cho hay.
Người dân sử dụng máy bơm nhằm tạo ôxy để hạn chế tình trạng cá chết.
Theo người dân địa phương, tính đến chiều 6-10, số lượng cá chết đã lên đến hàng chục tấn và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người dân đã sử dụng máy bơm nhằm tạo khí ôxy với mong muốn cứu được số cá còn lại.
Bà Lương Thị Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Tân, cho biết toàn xã Thủy Tân có 347 lồng cá của 60 hộ nuôi có cá chết với số lượng lên đến 37 tấn, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Hiện, UBND xã Thủy Tân đã đề xuất UBND thị xã Hương Thủy có biện pháp hỗ trợ cho người dân và vận động người dân thu gom số cá chết đưa đi tiêu hủy để tránh ô nhiễm môi trường.
“Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định nồng độ ôxy trong môi trường nước thấp, lượng lục bình trên sông Đại Giang quá dày, cộng với mật độ lồng nuôi và cá nuôi trong lồng quá cao, nền đáy không làm vệ sinh thường xuyên dẫn đến tồn đọng khí độc khiến cá chết hàng loạt” - bà Nha cho hay.