Hơn 4 tỷ đồng tri ân lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch
Công đoàn ngành y tế TP.HCM và Tập đoàn Hoa Sen vừa đồng hành tổ chức chương trình tri ân lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19 nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Chương trình quy tụ các đội ngũ y bác sĩ đại diện cho 3 miền đất nước và các tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch.
Chương trình tri ân “Lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02” trở thành cầu nối để mọi người gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện chống dịch của lực lượng tuyến đầu.
Tặng quà cho các đơn vị tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: BEE
Phát biểu tại lễ tri ân, ông Trần Đăng Công Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế TP.HCM, đã ôn lại những chặn đường chống dịch COVID-19.
Ông Nghĩa chia sẻ, thời điểm dịch bệnh bùng phát, tại các bệnh viện điều trị COVID-19, nhiều nhân viên y tế đã thức trắng đêm theo dõi từng hơi thở bệnh nhân, thay thế người thân để chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh. Tại cộng đồng, các đội lấy mẫu, các đội tiêm ngừa không quản ngày đêm, mưa nắng để hoàn thành nhiệm vụ. Tại các cửa ngõ thành phố, các chốt trực, nhân viên y tế luôn sát cánh với lực lượng liên ngành tích cực phòng chống dịch bệnh.
“Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình, đã nổi lên những tấm gương cao cả. Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, có bác sĩ chỉ còn ít ngày nữa nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia chống dịch để rồi mãi mãi ra đi trong tiếc thương và tự hào của đồng nghiệp. Có nữ bác sĩ đang nuôi con nhỏ, vẫn ra tuyến đầu chống dịch, vừa điều trị bệnh nhân, vừa vắt sữa của mình để nuôi bệnh nhi mắc Covid-19. Có những cán bộ y tế đã nghỉ hưu nhưng với tinh thần lương y như từ mẫu đã xung phong ra tuyến đầu cùng thế hệ đàn em chống dịch. Hình ảnh nhân viên y tế, tình nguyện viên ôm bình ô xy chạy trên các tuyến đường, ngõ hẻm, chạy bộ lên các tầng lầu nhà dân để cứu bệnh nhân… Và tính đến hết năm 2021, có 7.256 nhân viên y tế là F0”, ông Nghĩa nhớ lại
Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, ngành y tế TP.HCM đã không đơn độc mà luôn có sự chi viện của các tỉnh bạn, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, tình nguyện viên các tôn giáo, y tế tư nhân, sinh viên y khoa...
Đại diện các BV tiêu biểu giao lưu tại chương trình. Ảnh: BEE
Chia sẻ tại chương trình, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết chị cảm thấy đợt dịch lần thứ 4 tại TP.HCM giống như một cơn “đại hồng thủy” tràn qua thành phố, cướp đi nhiều sinh mạng người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội.
Theo bác sĩ Tuyết, ở giai đoạn đầu, chưa ai hiểu hết được virus SARS-CoV-2 nhưng nhân viên y tế đã vượt qua nỗi lo sợ để dấn thân cùng ngành y tế tham gia nhiều mặt trận. BV Hùng Vương cũng vây. Và không chỉ thế, nhân viên y tế còn làm việc trong môi trường thiếu nhiều thứ. Đầu tiên là thiếu nhân sự, vì phải chia người tham gia vào rất nhiều công việc cùng lúc: xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng cộng đồng, tham gia hỗ trợ nhân sự cho các bệnh viện dã chiến. Mặt khác còn khám, chữa bệnh, chăm sóc thai phụ nhiễm COVID-19 gia tăng. Song song đó nhân viên y tế còn nhiễm bệnh. Khó khăn bủa nhân viên y tế năng suất tăng gấp 2 - 3 lần bình thường.
Tiếp đến là thiếu thốn về cơ sở vật chất. Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản phụ khoa, bình thường, nếu bệnh nhân viêm phổi do vius sẽ được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa nhưng khi vào đỉnh dịch, không thể chuyển bệnh đi được và quyết định điều trị để cứu người bệnh, không để người bệnh chết. Nhưng cơ sở vật chất dành cho cấp cứu viêm phổi hầu như không có, sau đó được hỗ trợ máy thở, máy siêu âm, X-quang di động.
Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu thốn kỹ năng điều trị COVID-19. Giờ nghỉ trưa các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh phải học online để có thêm kiến thức, kỹ năng hồi sức, điều trị Covid-19.
“Có những điều muốn quên lắm mà quên không được. Tôi muốn quên đi sự khốc liệt của COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến hoạt động của TP.HCM. Tôi muốn quên đi những giây phút người bệnh diễn biến quá nhanh, chết trong tay của nhân viên y tế mà không thể nào làm được gì hơn”, bác sĩ Tuyết tâm sự.
Bác sĩ Tuyết cũng cho biết mình nhớ nhất là sự dấn thân của nhân viên y tế, của tình nguyện viên và sự hỗ trợ của cả nước cho TP.HCM, cùng đoàn kết mang lại màu xanh cho TP.HCM như ngày nay.
Ông Lê Phước Vũ (thứ 4 từ phải sang), Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen tặng quà cho các đơn vi tiêu biểu. A3nh: BEE
Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được tiếp đón các đội ngũ y bác sĩ, công an, bộ đội và các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã có mặt trong buổi tiệc tri ân nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).
Những cống hiến, hi sinh của mọi người trong thời gian dịch bệnh quá lớn lao mà không có từ nào tôi có thể nói hết. Nhờ có sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người đã giúp người dân, giúp đất nước vượt qua gia đoạn khó khăn, trở về trạng thái bình thường mới. Hôm nay, chúng tôi chỉ mong muốn gửi tới một chút gì đó để có thể giúp đỡ, cổ vũ tinh thần cho các lực lượng tuyến đầu và hỗ trợ các hoàn cảnh gia đình của y bác sĩ không may ra đi vì dịch bệnh. Tôi thay mặt hơn 10.000 công nhân viên của Tập đoàn Hoa Sen khắp cả nước xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất”.
Tại chương trình, Tập đoàn Hoa Sen đã trao tặng cho 10 đơn vị tiêu biểu gồm các bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP.HCM, mỗi đơn vị 100 triệu đồng; Trao tặng 30 đơn vị tiêu biểu khác, mỗi đơn vị 50 triệu đồng; Trao tặng 2 phần quà cho gia đình của hai nhân viên y tế đã ra đi khi chống dịch, mỗi phần quà 50 triệu đồng.
(PLO)- Bước ra từ hành trình nhọc nhằn nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19, nhiều y bác sĩ BV Quân y 175 vỡ òa khi họ lại được viết tiếp những câu chuyện thật hạnh phúc về mái ấm của chính mình sau khoảng thời gian dài chiến đấu giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân.