Vùng đất này từng được biết đến là vùng đất bốn không (không điện, không đường, không trường, không trạm) của xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Mấy năm gần đây đã có biết bao sự thay đổi của nơi được xem là “ốc đảo” này nhưng người dân nơi đây vẫn canh cánh nỗi niềm không biết đến khi nào đôi bờ Đại Sơn mới hết chia cắt.
Đời trôi theo con nước dòng Vu Gia
Đại Sơn (Đại Lộc, Quảng Nam) là một xã vùng sâu vùng xa, toàn xã có bảy thôn thì tới bốn thôn (Tân Đợi, Đồng Chàm, Tam Hiệp, Đầu Gò) ở bên kia sông Vu Gia. Bốn thôn với 300 hộ, khoảng 1.500 nhân khẩu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trắc trở. Trong thôn chỉ có một vài hộ khá, số nhà cửa khang trang đếm trên đầu ngón tay.
Bà Nguyễn Thị Cánh, 63 tuổi, người cả đời chứng kiến sự thất thường của con nước dòng Vu Gia, cho hay không ai biết bến đò Tân Đợi này có từ bao giờ, chỉ biết cuộc sống của người dân hai bên bờ phải dựa hoàn toàn vào bến đò. Trung bình một người cùng xe máy mất 10.000 đồng cho một lượt qua lại. “Một ngày tôi đi qua bến đò này bốn lần, làm cả tháng cũng chỉ đủ đi đò. Mùa hè nước sông hiền hòa vậy chứ đến mùa mưa, con nước từ các lòng hồ thủy điện đổ về dâng lên 5-7 m, người dân sống bên kia dòng Vu Gia bị cô lập hoàn toàn” - bà Cánh nói.
Mới đây, tỉnh Quảng Nam triển khai dự án đưa điện chiếu sáng về đường nông thôn liên xã. đó thật sự là niềm vui khó tả của người dân nhưng họ vẫn còn đó nỗi lo cảnh đò đầy sông sâu, lo tính mạng của mình không biết khi nào sẽ chìm theo những con đò cũ kỹ.
Hằng ngày, người dân và các em học sinh phải đi lại trên con đò cũ kỹ. Ảnh: N.TRI
Còn chị Trần Thị Ngọc Dung (41 tuổi, người có hơn bảy năm buôn bán tại bến đò Tân Đợi) thì cho hay vào mùa mưa gió, khi nước sông dâng lên cao, mọi hoạt động sản xuất hay học tập của con cái đều dừng lại. “Không biết bao giờ người dân mới hết cảnh khổ sở vì không có cầu” - chị Dung tâm sự.
Thấy tụi nhỏ đi học mà thương
Theo chị Nguyễn Thị Nên (thôn Tâm Đợi, xã Đại Sơn, Đại Lộc), mẹ của hai đứa con đang vào tuổi ăn học, khoảng bảy năm trước, tất cả các em tới độ tuổi đến trường đều phải đi đò qua sông rồi xuống trung tâm xã mới có lớp học. Vì vậy, cứ sáng ra cha mẹ phải đưa các em qua đò rồi mới yên tâm về đi làm. Hiện các trường mẫu giáo và tiểu học đã có các điểm trường tại khu “ốc đảo” nhưng học sinh THCS vẫn phải ngày ngày đi qua bến đò để tiếp tục giấc mơ đến trường.
Em Nguyễn Trung Hải, học sinh lớp 7/2 Trường THCS Tây Sơn, chia sẻ: “Sáng sớm em cùng năm bạn nữa đón đò để đi học, đi đò cũng vui nhưng sợ lắm. Nếu có được cây cầu, chúng em có thể dễ dàng qua sông. Hơn nữa, mỗi tháng em phải đóng 20.000 đồng tiền qua đò trong khi nhà em nghèo lắm”.
theo anh Dương Thanh Ka (40 tuổi, chủ đò tại bến Tân Đợi), anh phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để đưa đón bà con qua lại đi làm, rồi đến 8 giờ tối mới được về với gia đình nghỉ ngơi. tới tháng mà đi thu tiền đò, nhìn hoàn cảnh gia đình họ, tôi thấy ngại ngùng đến mức không dám thu” - anh Ka tâm sự.
Ông Ngô Vinh, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho hay đầu năm nay đã có đoàn do HĐND tỉnh cùng các sở, ban ngành về khảo sát nhưng thời gian cụ thể để xây cầu vẫn chưa có. Mấy chục năm nay, cứ đến buổi họp tiếp xúc cử tri là người dân lại mong muốn có một cây cầu để yên tâm đi lại và phát triển kinh tế. Xã đã có kiến nghị lên huyện, huyện đã gửi lên tỉnh nhưng đến hôm nay người dân vẫn chưa có cầu để đi lại. |