Hơn 43 triệu mũi tiêm vaccine xác thực sai thông tin

(PLO)- Hiện 212 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 được tiêm trên cả nước, tuy nhiên còn hơn 43 triệu mũi chưa đồng bộ với dữ liệu dân cư quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của tổ công tác triển khai Đề án 06 ngày 26-4, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay Việt Nam đã tiêm được hơn 212 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người trên 18 tuổi đã đạt tỉ lệ 100% nhưng mũi 3 rất chậm.

Còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tính đến ngày 25-4 còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống tiêm chủng, ảnh hưởng đến công tác cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, cho biết đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an 82.268.445 đối tượng, trong đó người có CCCD/CMND là 73.406.707 (tương đương gần 180.817.754 mũi tiêm).

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tính đến ngày 25-4, còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống tiêm chủng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tính đến ngày 25-4, còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống tiêm chủng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kết quả xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho thấy 54.469.153 người đã xác minh thông tin đúng, 18.937.554 người (ứng với 43.491.814 mũi tiêm) bị xác minh thông tin sai. Số người không có CCCD/CMND hoặc sai định dạng CCCD/CMND là 8.861.748 người…

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn Tổ công tác 06 (Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) của Chính phủ. “Liên thông dữ liệu, xác thực thông tin không chỉ phục vụ tiêm chủng vaccine mà còn có ý nghĩa quan trọng về sau này khi đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với ngành y tế. Điều này tạo mọi tiện ích cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ y tế” - ông Long nhấn mạnh và yêu cầu trước ngày 1-6 các địa phương phải hoàn thành cập nhật xác thực thông tin.

Tới đây sẽ bỏ khai báo y tế nội địa, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường do không còn thực hiện truy vết. Với khai báo khi nhập cảnh, chỉ khai báo theo đúng điều lệ y tế quốc tế, trong đó chỉ yêu cầu thông tin cơ bản, không phục vụ cho mục đích khác nữa. Cục Y tế dự phòng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương từng bước thực hiện quá trình bình thường hóa này.

Ông NGUYỄN THANH LONG,
Bộ trưởng Bộ Y tế

Quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng

Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết về quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19, tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã, phường chỉ đạo trạm y tế lập danh sách đối tượng tiêm chủng COVID-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin, bao gồm các trường hợp: Không có số CCCD/CMND, sai định dạng số CCCD/CMND, sai thông tin cá nhân cơ bản như số CCCD/CMND, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính của người tiêm.

Về quy định nhập liệu, ký nhận hộ chiếu vaccine, ông Hùng nêu rõ: “Đối với người Việt Nam bắt buộc sử dụng số CCCD/CMND. Chỉ những người đã được xác minh đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới ký được xác nhận hộ chiếu vaccine. Với người nước ngoài tiêm tại Việt Nam, sử dụng số hộ chiếu, không cần xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm về tính chính xác”.

Riêng với các mũi tiêm mới, hoàn thành nhập dữ liệu và ký số xác nhận trong ngày theo Công văn số 1815/BYT-CNTT ngày 8-4-2022. Tuy nhiên, trên thực tế Cục Công nghệ thông tin nhận được phản ánh của một số đơn vị về việc không ký xác nhận được trong ngày vì phải chờ kết quả xác minh thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các khó khăn trong xác thực thông tin

Hiện các bộ, ngành, địa phương vẫn coi việc thực hiện Đề án 06 là của lực lượng công an, hầu hết đang nhận thức Bộ Công an sẽ chuyển giao dữ liệu về để chủ động khai thác theo chuyên ngành, lĩnh vực và địa bàn của mình.

Cạnh đó, dữ liệu chưa bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, còn tình trạng dữ liệu công dân chưa được cập nhật vào hệ thống, thiếu, sai, lệch trường thông tin cơ bản theo luật định, dữ liệu công dân không được đồng nhất khi tiến hành đối sánh thông tin với các cơ sở dữ liệu của bộ, ban ngành. Ngoài ra, hệ thống thông tin của các địa phương trước khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục, việc bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp các thiết bị, hạ tầng bảo đảm an ninh, an toàn chưa được quan tâm… Các hồ sơ, giấy tờ cần có của dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rất nhiều, gây khó khăn cho người dân khi vừa phải kê khai điện tử vừa phải viết giấy.

Thượng tá TÔ ANH DŨNG, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm