Bà Mai Thị Lệ, Trưởng khu phố 16, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ khu phố đi phổ biến kết quả sắp xếp khu phố, ấp đến người dân địa phương. Ảnh: THUẬN VĂN

Hơn 4.800 khu phố, ấp ở TP.HCM vận hành theo sắp xếp mới

(PLO)- Không còn hệ thống chân rết ở tổ dân phố, tổ nhân dân, các khu phố, ấp mới sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để quản lý địa bàn hiệu quả hơn, giảm áp lực cho cấp cơ sở.

Theo dự kiến hôm nay (15-4), các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM sẽ hoàn tất công bố Nghị quyết 11/2024 của HĐND TP.HCM về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp. Thực hiện nghị quyết này có 299/312 phường, xã, thị trấn thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện sắp xếp khu phố, ấp. Trong đó có 2.008 khu phố, ấp và 25.349 tổ dân phố, tổ nhân dân phải sắp xếp, hình thành 4.861 khu phố, ấp mới.

Trong không khí sôi nổi của những ngày diễn ra lễ công bố nghị quyết của HĐND TP, những người làm công tác khu phố, ấp mới, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, cũ hay mới cũng đều sẵn sàng gánh vác những trọng trách mới trong bối cảnh mới.

Hơn 4.800 khu phố, ấp ở TP.HCM vận hành theo sắp xếp mới
Bà Mai Thị Lệ, Trưởng khu phố 16, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ khu phố đi phổ biến kết quả sắp xếp khu phố, ấp đến người dân địa phương. Ảnh: THUẬN VĂN

Thu gọn địa bàn giúp dễ quản lý hơn

Chia sẻ với PV báo Pháp Luật TP.HCM, bà Huỳnh Thị Thu Hà, Trưởng khu phố 7 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), cho biết ngay từ khi nghị quyết của HĐND TP.HCM có hiệu lực, khu phố 7 đã tiếp dân ở trụ sở mới với tinh thần làm việc mới và nhiệt huyết khi có nhiều người trẻ cùng đồng hành vào các tổ chức chính trị - xã hội.

“Trước mắt tôi chưa thấy quá áp lực hay khó khăn, bởi địa bàn khu phố đã được tách ra phân nửa rồi. Mình cũng có các group Zalo hỗ trợ truyền tải thông tin nhanh chóng đến người dân. Người dân cũng đã được vận động, tuyên truyền để nắm và biết địa chỉ khu phố mới, khu phố cũng được trang trí mới, sẵn sàng vào việc” - bà Hà vui vẻ kể.

Theo bà Hà, bước qua một giai đoạn mới, bản thân bà và đội ngũ người làm công tác ở khu phố phải đổi mới, nỗ lực hơn, sâu sát hơn, điểm nào nóng phải có mặt ngay để giải quyết công việc của người dân.

Bà Mai Thị Lệ, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng khu phố 16 (phường Bình Hưng Hòa A), tràn đầy khí thế mới, chia sẻ: “Xưa chúng tôi quản lý nguyên một khu lớn, bây giờ tách khu phố ra thấy nhẹ nhàng hơn, đỡ vất vả hơn. Dù tách ra nhưng hai khu phố cũng gần nhau và dùng chung trụ sở khu phố, như vậy cũng dễ trao đổi, hướng dẫn nhau”.

Bà Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng ban điều hành lâm thời khu phố 3 (phường 9, quận 11), cũng vừa mừng vừa lo khi nhận nhiệm vụ mới. Theo bà Thủy, đây là niềm vinh dự đồng thời cũng là thách thức với bản thân cũng như tập thể ban điều hành và các khu phố khác trên địa bàn phường khi hoạt động theo mô hình không có sự hỗ trợ của tổ dân phố.

Nữ trưởng khu phố này cho rằng năm nhân sự chủ chốt trong khu phố hiện nay có thể đảm bảo hoàn thành công việc được giao. Để đáp ứng cho công việc sắp tới, bà Thủy cho biết sẽ học thêm về Internet, tìm hiểu thêm và cùng các đồng sự trong khu phố nắm bắt thêm những điều mới, tiếp cận công tác chuyển đổi số.

p2+3-anh-phu-sap-xep-khu-pho-ap-phan-van-mai-can-gio.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chúc mừng ban điều hành ấp mới của xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ ngày 13-4. Ảnh: THUẬN VĂN

“Chúng tôi đã sẵn sàng xung kích”

Bên cạnh những người cũ đang tràn đầy tinh thần quyết chiến, nhiều khu phố mới sau khi kiện toàn là những nhân sự mới nên cũng gặp không ít bỡ ngỡ.

Ông Lê Quỳnh Giao, Trưởng khu phố 15 (phường Bình Hưng Hòa A), kể: “Chi bộ vận động lên làm trưởng khu phố mới, tôi cũng đắn đo vì không biết mình có đảm nhiệm nổi không. Nhưng rồi bí thư, trưởng khu phố cũ động viên, hứa sẽ hỗ trợ, gia đình cũng ủng hộ, với mình là đảng viên nên cứ vậy mà xung kích thôi”.

Ông Giao biết công việc khu phố đối với mình sẽ khó khăn nên ông quyết tâm học hỏi người đi trước, không biết gì cứ hỏi để rành rẽ hơn. “Tôi đã bàn với bí thư chi bộ mở cuộc họp trong dân, chia sẻ để người dân biết và cùng hỗ trợ nhau cho công việc trôi chảy. Tôi cũng tính toán tạo các group để kịp thời truyền tải thông tin đến người dân” - ông Giao nói.

Còn ông Phạm Quang Chiến, Bí thư chi bộ ấp An Hòa 1 (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ), cũng là tân binh trong “ngành khu phố” nên khá choáng ngợp khi vừa tiếp cận công việc đã thấy hàng chục văn bản được Đảng ủy xã chuyển xuống, phải xây dựng kế hoạch hoạt động ấp hay phân công nhiệm vụ cho từng người…

“Ấp mới thành lập việc nhiều lắm. Tôi cũng nghĩ phải làm sao để chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi liên hệ” - ông Chiến trăn trở và chia sẻ là may mắn được bà con đồng thuận, địa bàn ấp cũng gọn lại nên mối quan hệ với người dân sẽ gần gũi, tình cảm hơn.

Cũng là tân binh nhưng mang tinh thần rất trẻ, chị Nguyễn Thị Thảo Hiếu, 22 tuổi, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 3 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), hồ hởi kể mình đang học năm cuối ĐH, lại là người dân sống trên địa bàn khu phố nên cũng muốn góp sức mình để phục vụ người dân, nhất là chị em phụ nữ.

“Em mong mình sẽ mang lại năng lượng trẻ, việc mình làm ra phải năng động, sáng tạo hết sức, thể hiện năng lực của bản thân” - chị Hiếu quyết tâm.

sap-xep-khu-pho-ap-tp.hcm.jpg
Các cán bộ khu phố xuống cơ sở trò chuyện, trao đổi với người dân sau khi ra mắt các khu phố mới. Ảnh: THUẬN VĂN

Chuyển đổi số ngay từ khu phố

Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho biết việc sắp xếp từ 27 khu phố thành 55 khu phố đã tạo ra nhiều áp lực cho địa phương, nhất là công tác kiện toàn đội ngũ nhân sự, sắp xếp trụ sở làm việc. Song phường đã quyết tâm sắp xếp, đảm bảo tiến độ đề ra. Nhờ đó, phường kiện toàn được đội ngũ cán bộ 55 khu phố với 468 người, đảm nhiệm chín chức danh.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Ngân cho hay phường đã kiên trì giải thích, tuyên truyền, vận động, giải tỏa các tâm tư, tình cảm và trên hết là đội ngũ cán bộ khu phố đều có tinh thần xung kích, đoàn kết, không phân biệt già trẻ, nam nữ.

“Mọi người đều quyết tâm thay đổi bộ mặt khu phố, làm tốt vai trò gần dân, sát dân, giúp đỡ người dân từ những việc nhỏ nhất” - ông Ngân nói và kỳ vọng các khu phố sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên nền tảng số thật tốt, làm sao chuyển đổi số ngay từ khu phố, ngay trong lòng dân, góp phần giảm áp lực cho phường, quận. Ngay cả quản lý khu phố cũng phải đi vào chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng thông tin huyện tăng từ 33 ấp, khu phố lên 48 ấp, khu phố sau khi sắp xếp. Huyện đã trang bị, hỗ trợ giúp cán bộ tiếp cận công việc nhanh hơn, sẵn sàng để khu phố, ấp mới đi vào hoạt động ổn định. “Nhìn chung bà con rất phấn khởi” - ông Hồng nhìn nhận.

Theo ông Hồng, khi không còn đội ngũ chân rết, các khu phố, ấp sẽ quản lý bằng công nghệ số, giúp giảm áp lực cho cơ sở. Ông khẳng định đây là nền tảng quan trọng, giúp huyện Cần Giờ hoàn thành công tác chuyển đổi số sớm nhất.

“Các khu phố, ấp mới hầu hết là người trẻ, việc tiếp cận kiến thức mới và khoa học công nghệ sẽ rất nhanh. Tôi tin rằng đội ngũ cán bộ khu phố, ấp sẽ mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số để quản lý địa phương hiệu quả hơn” - ông Hồng nói.

Ông Nguyễn Trần Bình, Chủ tịch UBND quận 11, cũng cho biết để thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp khu phố, ấp, quận đã chỉ đạo các địa phương áp dụng công nghệ số vào quản lý điều hành ở địa bàn dân cư.

Chẳng hạn, ở phường 9 đã ra mắt mô hình hệ thống chuyển đổi số để phục vụ việc quản lý, điều hành trên địa bàn. “Việc áp dụng công nghệ số sẽ giúp sức, hỗ trợ các ban điều hành khu phố mới có thể quản lý được địa bàn dân cư. Người dân cũng sẽ có nhiều kênh thông tin để biết, hiểu thêm về hoạt động của chính quyền địa phương và khu phố, tổ dân phố” - ông Bình đánh giá.

Khen thưởng, tri ân các cán bộ khu phố, ấp

Thành ủy TP.HCM lưu ý trong quá trình sắp xếp vẫn cần lắng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Việc xác định tên gọi mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn bảo đảm chặt chẽ theo quy định, phù hợp với yếu tố lịch sử của từng địa phương…

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, dự kiến cuối tháng 7 sẽ tổ chức hội nghị tổng kết công tác sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP. Các địa phương cũng sẽ tổ chức hội nghị tri ân, khen thưởng cá nhân tham gia hoạt động tại khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân... Trong đó, tặng quà tri ân kèm thư tri ân của chủ tịch UBND TP.HCM đến 64.309 cá nhân tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố…

*****

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ:

Sẽ bố trí kinh phí để xây trụ sở mới

Các khu phố, ấp trước mắt sẽ dùng trụ sở linh hoạt, luân phiên. Nếu huyện thấy trụ sở nào cho cơ quan nhà nước quản lý mà chưa phải sắp xếp theo Nghị định 167 thì chủ động cải tạo, sửa chữa để đảm bảo hoạt động khu phố, ấp mới.

Còn về lâu dài, chúng tôi tính toán chọn địa điểm, cập nhật vào quy hoạch, bố trí kinh phí để xây các trụ sở, nếu không đảm bảo kinh phí thì có thể xây từng năm. Các địa phương chủ động xử lý theo thẩm quyền, cái nào khó khăn thì kiến nghị TP, làm sao tạo mọi điều kiện để khu phố ở cơ sở hoạt động tốt.

------

LÊ THỊ NGỌC DUNG, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân:

Kiến nghị TP.HCM xem xét trụ sở làm việc cho khu phố

Sau khi sắp xếp, số lượng khu phố ở quận Bình Tân tăng 2,8 lần (từ 130 khu phố lên 366 khu phố) nên việc bố trí trụ sở làm việc, địa điểm sinh hoạt ổn định, riêng biệt gặp nhiều khó khăn. Có khoảng 191 khu phố hiện chưa có trụ sở sinh hoạt, làm việc riêng biệt.

Trước mắt, quận có phương án để các khu phố làm việc, sinh hoạt chung với nhau nhưng điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các khu phố trong quá trình sử dụng chung.

Thời gian tới, UBND quận sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất công, đất trống, đất dôi dư trên địa bàn 10 phường để lên phương án quản lý, sử dụng, bố trí trụ sở làm việc cho các khu phố và kiến nghị, đề xuất TP xem xét.

-----

Lãnh đạo Phòng Nội vụ quận 1:

Bố trí trường học, nhà dân… làm trụ sở khu phố mới

Qua ba tháng nỗ lực, tập trung của cả hệ thống chính trị, quận đã hoàn thành việc sắp xếp 66 khu phố, 872 tổ dân phố để hình thành 98 khu phố mới với 490 người hoạt động không chuyên trách, giảm 1.833 người.

Hiện 55/98 khu phố không có địa điểm sinh hoạt. Trước mắt, các phường sẽ bố trí cho các khu phố này sinh hoạt tại trụ sở UBND phường, trung tâm học tập cộng đồng phường, trường học, nhà dân, phần đất trống của hẻm…

Nhìn chung, các cô chú, anh chị cũng hiểu được chủ trương chung nên đã đồng thuận và nhiệt tình tham gia với phường sau khi sắp xếp.

******

Mong đội ngũ nhân sự mới trách nhiệm, gắn bó với dân

Bà Đinh Thị Gái (74 tuổi), Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 4 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) đã gắn bó với hoạt động của khu phố hơn 18 năm. Lần này, sau khi địa phương sắp xếp, bà Gái không tham gia công tác nữa.

Dù vậy, bà Gái cho biết sẽ rất nhớ bởi 18 năm qua đôi chân bà len lỏi đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, thuộc nhà dân đến nằm lòng với biết bao câu chuyện không đếm xuể. “Gắn bó hơn 18 năm, không nhớ làm sao được, chừng đó năm biết bao chuyện mà hồi tưởng. Nhưng tôi lớn tuổi rồi, nghỉ để những người còn khỏe, còn sức làm sẽ tốt hơn” - bà Gái chia sẻ.

“Đa phần mọi người đều có tinh thần trách nhiệm, vì cái chung thì ai cũng muốn đóng góp công sức. Nhiều người chỉ lo khối lượng công việc nhiều quá, nếu không sát sao sẽ không xử lý kịp khi có phát sinh” - bà Gái nói và cho rằng cần có sự thấu hiểu, chia sẻ và động viên liên tục, hỗ trợ của các cấp chính quyền cho hoạt động của các khu phố mới trong thời gian đầu. Có như vậy đội ngũ nhân sự mới có chỗ dựa, sự tự tin để làm tốt công việc.

Bà Gái cũng nhìn nhận việc sắp xếp là cần thiết phải có những cách quản lý hiệu quả mà vẫn không tách khỏi người dân. “Dù thôi công tác nhưng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ khu phố khi cần, không nề hà việc lớn nhỏ” - bà nói.

p2+3-anh-chan-trang-sap-xep-khu-pho-ap.jpg
Ông Lê Tấn Phong, trưởng ấp An Nghĩa 2 (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) đang cập nhật thông tin nhân khẩu cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Đoàn Công Chính, Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường 9, quận 11) cũng xin nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác. Ngày trước, ông Chính quản lý khoảng 50 hộ dân ở tổ dân phố, bởi thế ông nắm tường tận từng thửa đất, từng gia đình và các thành viên. Nay sắp xếp lại khu phố, ông Chính kỳ vọng ban điều hành khu phố mới sẽ làm bằng cái tâm, tình cảm để gắn bó, hỗ trợ người dân.

Tiếp tục công tác sau khi sắp xếp, ông Phan Minh Nghĩa, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 29 (khu phố mới, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), cho rằng đây là cơ hội để tái sắp xếp, tổ chức cho phù hợp hơn. Theo ông, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở sau khi sắp xếp là rất quan trọng, bởi cần người có trách nhiệm, luôn gần gũi và sẵn sàng lắng nghe người dân, nhanh chóng nắm bắt tình hình trong dân.

Còn về phía người dân, ông Trần Việt Trung (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức) cho rằng trước mắt địa phương cần tập huấn, đề ra phương pháp hoạt động của khu phố, ấp mới. Khi đã dần đi vào ổn định thì tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số ở khu phố, giúp cán bộ khu phố thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, trong bối cảnh tinh giản nhân sự và khối lượng việc ngày một nhiều hơn.

Ông kỳ vọng những người nhận nhiệm vụ ở các khu phố, ấp mới sẽ luôn có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, hỗ trợ người dân khi cần và tăng cường trau dồi năng lực, nhanh chóng nắm bắt chính sách mới để chuyển tải đến người dân.

THANH TUYỀN - BẢO PHƯƠNG

******

Chuyện những người coi việc của dân như của mình

Việc ra mắt mô hình tổ chức mới theo Nghị quyết 11 của HĐND TPHCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn đến nay đã cơ bản hoàn thành. Sau khi sắp xếp, 27.377 tổ chức dưới phường, xã, thị trấn TP.HCM sẽ được tinh gọn lại còn 4.861 khu phố, ấp; không còn cấp tổ dân phố. Số nhân sự được tinh giản từ 64.293 người xuống còn 43.749 người.

Hình ảnh những cô chú tổ trưởng tổ dân phố đến từng nhà tìm hiểu tâm tư, tình cảm, đời sống của người dân để kịp thời phản ánh lên cấp trên; giải quyết những mâu thuẫn nhỏ phát sinh xảy ra hằng ngày giữa hàng xóm với nhau hay đơn giản chỉ là hỏi thăm em bé mới sinh ở nhà kế bên… sẽ mãi là những hình ảnh khó quên trong lòng người dân TP về những người làm công tác cơ sở, ở tổ dân phố suốt mấy mươi năm qua.

Lãnh đạo TP.HCM đã nhiều lần nhấn mạnh hoạt động của mô hình hai cấp tổ chức dưới phường, xã, thị trấn của TP có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Những giá trị, hiệu quả mà mô hình này mang lại là điều không thể phủ nhận. Đặc biệt, thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra, lực lượng tổ dân phố, tổ nhân dân đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm chung tay cùng TP thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Dù vậy, với thực tiễn một đô thị hiện đại như TP.HCM thì việc sắp xếp này là việc phải làm để có một bộ máy gọn nhẹ nhưng phải có tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử - điều mà TP đang rất quan tâm, hướng tới. Và quan trọng hơn cả là ngày càng phát huy tính làm chủ của người dân, các hoạt động của khu phố, ấp mới phải ngày càng sát sao với đời sống của người dân hơn.

Trong chỉ đạo mới nhất, Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu trong quá trình sắp xếp, các địa phương tránh gây xáo trộn, không làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân và tránh gây lãng phí.

Khi các khu phố mới đi vào vận hành, những cán bộ khu phố tiếp tục đảm nhiệm công việc cũng đã sẵn sàng. Dù vậy sẽ không tránh khỏi những khó khăn, phát sinh về áp lực công việc, thiếu trụ sở sinh hoạt hay ứng dụng công nghệ vào hoạt động điều hành khu phố… thời gian đầu chuyển giao.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ nhân sự mới bày tỏ sẽ làm việc hết sức, có trách nhiệm hơn để xứng đáng với sự tin tưởng của người dân. Họ cũng đặt chính tâm tư, tình cảm của mình vào công việc hằng ngày, coi việc của người dân như việc nhà mình để giải quyết một cách thấu đáo. Cũng chính vì vậy, những cán bộ khu phố rất cần sự chung sức, đồng lòng, sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên, cùng sự đồng thuận của người dân.

Ngay từ khi công bố việc sắp xếp, nhiều phường cũng đã chuẩn bị chương trình, định hướng hoạt động cho từng khu phố thuộc địa bàn quản lý. Đây là bước đi ban đầu rất cần thiết giúp các khu phố nhìn thấy rõ cần tập trung vào các đầu công việc cụ thể ra sao, cũng là một cách để cùng đồng hành, động viên đội ngũ nhân sự tự tin để điều hành hoạt động cấp khu phố, ấp. Việc tiếp theo là làm, làm có hiệu quả, có sự đồng bộ ngay từ đầu để cấp khu phố thực sự là địa chỉ đáng tin cậy trong lòng dân.

THANH TUYỀN

Đọc thêm