Ngày 10-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Theo đó, trước mắt ngành đường sắt thực hiện ngay việc rào các lối đi tự mở mà không phải xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường gom). Đồng thời, bố trí người và phương tiện giao thông đi theo các lối khác.
Quyết định của Thủ tướng cũng đưa ra mục tiêu giảm tai nạn giao thông đường sắt 5%-10%/năm, hạn chế mức thấp nhất tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: PLO.VN
Bên cạnh đó, tổ chức thu hẹp lối đi tự mở (có bề rộng lớn hơn 3 m, mật độ giao thông thấp, không phải trục chính) để hạn chế phương tiện cơ giới, nhằm giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt.
Giải pháp lâu dài, Thủ tướng yêu cầu xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở qua đường sắt theo lộ trình.
Cụ thể, đến hết năm 2020 tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao. Các lối đi tự mở là các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.
Đến năm 2025, xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt. Hoàn thành việc hóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia.
Kinh phí thực hiện đề án trên là 7.383 tỉ đồng. Trong đó, xử lý lối đi tự mở là 6.669 tỉ đồng. Xử lý vị trí giao cắt giữa đường sắt với đường sắt là 198 tỉ đồng. Số còn lại xử lý các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông. Nguồn vốn trên chủ yếu sử dụng từ ngân sách nhà nước.
Lộ trình xóa lối đi tự mở Theo quyết định của Thủ tướng, giai đoạn năm 2020, xây dựng đường gom và hàng rào ngăn cách dài 29,70 km, xây dựng tám đường ngang. Giai đoạn 2021-2025, xây dựng 645,93 km đường gom, hàng rào ngăn cách; xây dựng 297 đường ngang; 149 hầm chui, hai cầu vượt và một cầu đường sắt. |