Bộ GTVT yêu cầu ngăn chặn ngay các vụ tai nạn đường sắt

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi các tỉnh có đường sắt đi qua, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Theo đó, thời gian tai nạn đường sắt giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Hiện trường vụ tai nạn khiến 3 người chết 1 người bị thương khi tài xế cố vượt qua đường sắt.

Cụ thể, ngày 31-7, xe khách chở 4 người cố tình vượt đường ngang khi đoàn tàu SE27 (chạy hướng Hà Nội đi TP.HCM) đang lao tới. Hậu quả vụ tai nạn làm 3 người chết và 1 người bị thương. Tiếp đó, tàu hàng 2710 (tuyến Hà Nội – Lào Cai) khi đến khu gian Vũ Ẻn - Chí Chủ (thuộc xã Vũ Yển, Thanh Ba, Phú Thọ) thì lái tàu bị rơi khỏi đầu máy tử vong. Nguyên nhân các vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ.

Để hạn chế những tai nạn trên, Bộ GTVT yêu cầu VNR khẩn trương khắc phục hậu quả các vụ tai nạn nêu trên, chủ động phối hợp với Bệnh viện để cứu chữa, thăm hỏi người bị thương, hỗ trợ gia đình có nạn nhân bị chết.

Chủ động phối hợp với cơ quan Công an và các đơn vị liên quan trong việc điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân vụ sự cố, tai nạn nói trên và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân (nếu có) gây ra vụ tai nạn theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Đồng thời, tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông và có các biện pháp khắc phục các sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

Bộ GTVT cũng yêu cầu VNR tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra, đặc biệt thực hiện nghiêm kỷ luật lao động khi lên ban...

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp với công an các địa phương và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt theo thẩm quyền.

Đối với các tỉnh, Bộ GTVT yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng mở lại lối đi tự mở đã được đóng, nhổ bỏ cọc thu hẹp lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Đặc biệt, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cố tình vượt qua đường ngang đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo tàu đang đến, cần chắn tự động đã hạ xuống, dàn chắn, cần chắn đã đóng, không giảm tốc độ khi đi qua đường ngang…

“Bên cạnh đó, tiếp tục giao trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt…”, Bộ GTVT yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm