Bên lề Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ xung quanh về điểm chuẩn của ngành sư phạm năm nay.
Vì sao điểm chuẩn sư phạm cao?
Điểm chuẩn của trường ĐH Sư phạm Hà Nội theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là từ 22-29,3 điểm. Đây là tổng điểm thi ba môn, đã gồm điểm ưu tiên (nếu có).
Trong đó, hai ngành sư phạm Lịch sử và sư phạm Ngữ văn xét tuyển khối C00 lấy điểm chuẩn cao nhất 29,3 điểm, tương đương khoảng 9,76 điểm/môn. So với năm ngoái, sư phạm lịch sử tăng 0,88 điểm, sư phạm ngữ văn tăng 1,47 điểm.
Về vấn đề trên, ông Sơn cho biết đến thời điểm này, hầu như tất cả các trường đại học đều công bố điểm chuẩn. Nhìn chung điểm trúng tuyển vào khối ngành sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Việc điểm chuẩn tăng có nhiều lý do. Cụ thể do chính sách của Đảng và nhà nước đặc biệt chính sách về cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí đã thu hút số lượng sinh viên vào ngành sư phạm ngày càng đông,.
Năm nay theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt. Chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành sư phạm có hạn trong khi đó số lượng thí sinh xét tuyển tăng mạnh. Do đó những bạn có điểm cao mới có thể trúng tuyển. Đây cũng là dấu hiệu tích cực.
Riêng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có chính sách tuyển thẳng những em đạt học sinh giỏi quốc gia. Năm rồi, trường có khoảng 300 em học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành trong đó có một số ngành thuộc khối xã hội. Như vậy, với những trường hợp như vậy, đương nhiên các em sẽ được tuyển thẳng. Điều này khiến cho tỉ lệ cạnh tranh vào trường sẽ trở nên căng thẳng hơn.
Điểm cao vẫn trượt đại học
Thực tế, năm nay nhiều ngành sư phạm tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dù hơn 9 điểm vẫn trượt đại học. Trước kết quả trên, ông Sơn cho rằng nếu nhìn nhận theo kiểu so sánh điểm năm nay và điểm năm trước thì có vẻ cao quá. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề theo kiểu tuyển sinh đại học sẽ khác.
“Bởi xét tuyển đại học là tuyển những thí sinh có năng lực và chọn từ cao xuống thấp. Do đó, nếu nhiều người ở tốp trên thì những người ở tốp dưới sẽ bị mất cơ hội lựa chọn. Đó chính là nguyên tắc của việc chọn lựa” – ông Sơn nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chia sẻ với tâm trạng của phụ huynh và những thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên mà vẫn trượt đại học ngành yêu thích.
“Tuy nhiên, nếu em ấy có điểm cao như vậy thì không trúng ngành này sẽ trúng tuyển ngành khác. Bởi vì, thí sinh được đăng ký rất nhiều nguyện vọng và không giới hạn nguyện vọng. Đây cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống, vì không phải lúc nào chúng ta cũng chỉ một mình, sẽ có nhiều người khác giỏi hơn và cần chấp nhận câu chuyện như vậy” – ông Sơn nói.
Hiệu trưởng Trường ĐH sư phạm cũng cho biết thời điểm này trường đã bắt đầu nghĩ đến các phương thức xét tuyển cho năm học 2024-2025 theo chương trình mới.
“Chúng tôi đã suy nghĩ từ sớm về các tổ hợp xét tuyển sẽ có sự thay đổi do các môn thi đã giảm. Các phương thức sẽ có sự điều chỉnh” – ông Sơn nhấn mạnh và cho biết học sinh lớp 12 cần phải cập nhật sớm các thông tin từ các trường đại học để xem xét và có sự chọn lựa phù hợp.
Liên quan đến việc thiếu giáo viên ở các môn mới, ông Sơn cho biết đây là câu chuyện khó mang tính tổng thể. Hiện chỉ tiêu đào tạo của các trường do Bộ GD&ĐT phân bổ dựa trên nhu cầu đăng ký của các địa phương.
Thực tế, hiện ngành giáo dục đặc biệt không có ai đăng ký nhưng để điều hành hệ thống, Bộ GD&ĐT vẫn phải đặt ra chỉ tiêu và đó là nhu cầu có thực. Do đó, để làm sao nhu cầu thực tế sát với chỉ tiêu tuyển sinh là vấn đề đáng bàn.
Mặt khác, các môn học mới được triển khai vài năm nay. Trong khi đó, quá trình đào tạo các trường không thể ào ạt vì phải căn cứ vào năng lực đội ngũ và hàng loạt quy tắc về chuẩn mực để đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương nên nghĩ đến việc bồi dưỡng giáo viên đơn môn để giảng dạy thêm các môn khó. Thực tế, công việc này không đơn giản nhưng trong tình hình hiện nay đó là giải pháp cần nghĩ tới.