Sáng 19-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Tại hội nghị, vấn đề thiếu giáo viên tiếp tục được nhiều địa phương đề cập với hy vọng Bộ GD&ĐT có những giải pháp rốt ráo để giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết tỉnh này thiếu nhiều giáo viên so với định mức quy định. Cụ thể, tỉnh đang thiếu nguồn tuyển giáo viên ở các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình mới. Đội ngũ giáo viên có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi.
“Thiếu giáo viên đã gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường” – ông Bằng nói.
Từ thực trạng trên, tỉnh Điện Biên đề nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn đặc thù như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.
Đặc biệt, áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn như: tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa.
Tình trạng thiếu giáo viên, trong đó thiếu giáo viên các môn đặc thù không chỉ ở vùng khó khăn, mà xảy ra cả ở các vùng thuận lợi như Hà Nội, TP.HCM.
TP.HCM cũng rất khó tuyển giáo viên các bộ môn trên. “Với điều kiện mặt bằng lương trung bình của TP.HCM hiện nay thì mức lương chi trả cho giáo viên tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc quá thấp nên khó thu hút người vào ngành Sư phạm. Trong khi TP không thể đề xuất HĐND có cơ chế đặc thù tương tự như áp dụng với giáo viên mầm non” – bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Từ đó bà Thúy kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu tham mưu chính phủ, tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các tỉnh TP xây dựng cơ chế đặc thù, tuyển dụng giáo viên một số môn học đặc thù.
Tương tự, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của Thủ đô tiếp tục tăng, trong đó tăng 39 trường và 48.000 học sinh.
Quy mô giáo dục hàng năm tiếp tục tăng. So với yêu cầu nhiệm vụ và định mức biên chế thì số biên chế còn thiếu. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ có rà soát để đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt là ở một số môn học như tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.
Mặt khác, hiện trên địa bàn TP có hơn 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ ngành; hơn một triệu sinh viên cùng các cơ sở giáo dục của nước ngoài. Vì thế, bà Hà kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành chỉ đạo rõ hơn về trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục này để phù hợp với tình hình thực tế.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Hiện các trường đại học sư phạm đã mở ngành và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc này góp phần cung cấp giáo viên cho các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn về thừa thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, quá trình đào tạo cũng cần có thời gian mới có thể cung cấp nguồn tuyển cho các địa phương.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên theo hướng linh hoạt, sát thực tiễn.
Ông NGUYỄN ĐỨC SƠN, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.