Ngày 21-6, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Tại hội thảo, vấn đề được nhiều nhà giáo đề cập là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Đại diện Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 cho hay số lượng giáo viên của trường chưa đáp ứng. Dù trường đã tổ chức tuyển dụng nhưng không có ứng viên ứng tuyển.
Cụ thể, năm 2021-2022, trường thiếu 11 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 6. Năm 2022-2023, trường thiếu 20 tuyển được 2. Năm 2023-2024, trường thiếu 10 tuyển được 2.
Vị này nhận định đây là trở ngại lớn trong quá trình dạy và học. Vì thiếu giáo viên nên trường phải điều động giáo viên nhiều môn dạy thế, không đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Do đó, theo bà, đề xuất điều tiết giáo viên giảng dạy liên trường trong dự thảo luật rất thiết thực, đảm bảo giáo viên có số tiết nghĩa vụ theo quy định, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Tình trạng gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên mầm non, mỹ thuật, tin học và âm nhạc cũng là vấn đề được Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức đề cập.
Từ thực tế trên, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3 kiến nghị cần có chính sách thu hút, giữ chân giáo viên các môn học đặc thù như môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật. Thực tế, các địa phương dù thiếu giáo viên nhưng rất khó tuyển dụng vì chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.
Một vấn đề được ông Khoa đề xuất tại hội thảo là cần hạn chế tình trạng giáo viên tuyển dụng ở nhiều địa phương cùng một lúc. Bởi giáo viên đã đăng ký tuyển dụng ở địa phương A sau đó lại nộp hồ sơ ứng tuyển vào địa phương B sẽ gây khó khăn và xáo trộn trong công tác nhân sự.
Do đó, ông đề nghị giáo viên chỉ được đăng ký tuyển dụng một nơi. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần được tự chủ trong việc sắp xếp bồi dưỡng, tuyển dụng và sử dụng giáo viên miễn sao thực hiện đầy đủ biên chế được giao.
Mặt khác, từ thực tế của bản thân, ông bày tỏ băn khoăn về việc làm sao để thu hút đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, có kinh nghiệm lên đảm nhận công việc quản lý nhà nước. Bởi hiện nay nhà giáo khi lên phòng GD&ĐT làm việc sẽ bị cắt phụ cấp, thâm niên, nói chung bị giảm thu nhập. Do đó, ngành giáo dục phải có chính sách phù hợp để khuyến khích các thầy cô.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp kiến nghị một năm chỉ nên tuyển dụng 1-2 lần, trước năm học hoặc đầu học kỳ 2. Danh sách trúng tuyển sẽ công bố cho toàn TP.
Như vậy giáo viên đã trúng tuyển sẽ không được tham gia tuyển dụng tại các địa phương khác trong 1 năm để đảm bảo nghiêm túc.
Theo ông Thanh, trong Điều 31 của dự thảo Luật Nhà giáo, vấn đề thuyên chuyển chỉ mới đề cập nhà giáo chuyển công tác thuộc địa bàn tỉnh, huyện này sang tỉnh khác được các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện.
"Vấn đề đặt ra, nếu nhà giáo trong cùng một quận, huyện có nhu cầu thuyên chuyển công tác thì làm sao? Dù ở trong một địa phương nhưng khoảng cách địa lý rất xa, do đó nếu họ có nhu cầu chuyển về công tác gần nhà cũng cần tạo điều kiện. Vì thế, tôi đề nghị bổ sung thêm điều này vào dự thảo Luật Nhà giáo" - ông Thanh nói.