Sở GD&ĐT TP.HCM đang lấy ý kiến các sở ngành liên quan về việc ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút đối với giáo viên các môn học tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn TP.HCM.
Động thái trên xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay của ngành giáo dục đào tạo TP, dù thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học nhưng vẫn không thể tuyển dụng.
Cụ thể, theo số liệu ghi nhận trong các năm học từ 2018-2019 đến năm học 2023-2024, đội ngũ này còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu.
Dù TP.HCM tổ chức các đợt tuyển dụng nhưng không có ứng viên ứng tuyển vì thu nhập không tương xứng.
Môn tiếng Anh nhu cầu tuyển dụng là 1.129 nhưng từ năm 2018 đến năm 2023 chỉ tuyển được 841 giáo viên, chiếm tỉ lệ hơn 74%. Còn với môn Tin học nhu cầu là 502 nhưng chỉ tuyển được 140 giáo viên.
Các môn học mang tính đặc thù khác như Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng không có ứng viên ứng tuyển.
Bên cạnh đó, một thực trạng được Sở GD&ĐT đưa ra, tình trạng giáo viên tiếng Anh và các môn học mang tính đặc thù khác nghỉ bỏ việc rất nhiều.
Theo thống kê, từ năm học 2020-2021 đến nay, đã có tổng cộng 614 giáo viên tiếng Anh, Tin học và các bộ môn khác không còn công tác trong ngành giáo dục với lý do nghỉ hưu, nghỉ việc, bỏ việc, mất vì bệnh. Trong đó, số lượng giáo viên dạy tiếng Anh là 251 giáo viên, dạy Tin học là 70 giáo viên.
“Đây là hai lực lượng rất khó tuyển dụng” - báo cáo sở nêu rõ.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Sở GD&ĐT TP.HCM do áp lực công việc và thu nhập chưa tương xứng.
Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định, các giáo viên tiếng Anh, Tin học và một số môn học đặc thù sẽ nhận nhiệm vụ 23 tiết/tuần. Giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau tuỳ theo bộ môn và số lượng tiết dạy.
Do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo số lượng lớp được phân công, cá biệt có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng (tính sĩ số lớp chuẩn theo điều lệ trường tiểu học). Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn.
Trên thực tế, các giáo viên này không chỉ dạy 23 tiết/tuần mà còn phải dạy tăng giờ do trường không có đủ giáo viên bộ môn chuyên trách. Các giáo viên khi phải dạy vượt quá số tiết nghĩa vụ thì có thể được hưởng phụ trội tối đa 200 giờ/năm, không tương xứng với số tiết học đã thực hiện trong một năm học.
Ví dụ, với một trường tiểu học có 30 lớp với 1 giáo viên dạy Tin học thì số tiết theo nghĩa vụ là 23 tiết/tuần (tương ứng với 23 lớp), số tiết phụ trội là 7 tiết/tuần (7 lớp còn lại).
“Số tiết phụ trội phải thực hiện trong một năm học 35 tuần: 245 tiết/giáo viên (vượt quá 45 tiết so với mức 200 tiết được hưởng phụ trội mà không phải báo cáo xin phép). Tình trạng này phổ biến ở các môn chỉ có 1 giáo viên dạy” - báo cáo nêu.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai trong cả nước từ năm 2020. Trong đó, Tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc từ lớp 3. Chuẩn giáo viên tiểu học cũng được nâng lên, phải tốt nghiệp đại học (4 năm), thay vì cao đẳng (2 năm). Do đó, hàng loạt tỉnh thành thiếu người dạy. Để khắc phục tình trạng trên, năm học vừa qua, TP.HCM đã triển khai lớp học số.
Để giải quyết tình trạng trên, ngày 30-5, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có đề xuất chính sách thu hút đối với các giáo viên khó tuyển dụng.
Theo đó, giáo viên tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học mới được tuyển dụng lần đầu trong năm đầu sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng/năm. Trong đó, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở là 25 triệu đồng; hỗ trợ phương tiện đi lại là 5 triệu đồng; hỗ trợ khuyến khích động viên là 15 triệu đồng; hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu là 5 triệu đồng.
Mức chi hỗ trợ này chỉ thực hiện một lần duy nhất cho một người khi được tuyển dụng lần đầu. Những lần tham gia tuyển dụng sau ở đơn vị khác sẽ không được nhận khoản hỗ trợ này.
Mức hỗ trợ giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu trong hai năm kế tiếp là 40 triệu đồng/năm.
Giáo viên đã được tuyển dụng và công tác tại trường từ ba năm trở lên và giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu sau khi kết thúc mức hỗ trợ trong ba năm đầu là 30 triệu đồng/năm.