Hồn nhiên là hồn nhiên

Trẻ em Việt cũng như trẻ em ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bao giờ cũng được sinh ra trong gia đình và trưởng thành ngoài xã hội. Và có lẽ, bao giờ cũng phải/được lớn lên, để được tự tại, tự do trưởng thành. Như trái cây đấy thôi: vốn phải bắt đầu từ mầm hạt, rồi thành cây lá xum xuê, rồi cây ra hoa kết trái, thành quả chín đỏ dưới ánh nắng mặt trời. Và cái nôi (cội rễ) đầu tiên giáo dục trẻ em chính là vòng tay yêu thương của cha mẹ ruột. Không cha mẹ nào lại không muốn con được sống trọn vẹn tuổi thơ êm đềm trong một gia đình yên ấm.

Hồn nhiên là hồn nhiên ảnh 1

Khoan nói đến thần đồng và những khả năng đặc biệt được hình thành trong điều kiện gia đình đặc biệt hoặc đặc thù. Ở đây, tôi thấy Đỗ Nhật Nam là cậu bé được giáo dục trong một gia đình giống như rất nhiều gia đình khác trong xã hội Việt hiện đại: bố mẹ rất có ý thức chăm lo đến việc đọc sách của con, chăm lo đến những phẩm chất tư duy và tâm hồn của con mình, nhằm tích cực chuẩn bị đưa con vào một môi trường xã hội Việt thế kỉ 21, một môi trường đầy thách thức cho sự phát triển của trẻ em Việt, đang có vấn đề hỗn loạn, bất ổn về văn hóa ứng xử với nhau trong xã hội, nhất là ở các mạng xã hội, đang là môi trường ảo, không có thật, ẩn danh, nên chăng có người đã nghĩ rằng muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, bất kể…

Điều tôi chú ý nhất ở đây chính là quan niệm dạy con của bố mẹ Nam. Tôi nghĩ họ có cách dạy con đích đáng, khi chuẩn bị kĩ càng cho con về cách nghĩ. Mẹ Nam chắc chắn không muốn con đọc truyện tranh, muốn con đọc chữ nhiều hơn là xem tranh, Nam đã rất nghe lời và nhớ lời mẹ: “Mẹ em bảo, truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn”. Nên em đã thích đọc, kể cả những sách ở tuổi em có thể là ít bạn lựa chọn. Nhưng thích là thích, khi em hồn nhiên nói là em thích đọc sách tin học, chính trị, xã hội… Có ai đó đã nhận xét: đó là “hồn nhiên già dặn”. Tôi cho rằng hồn nhiên là hồn nhiên và không hề ngạc nhiên về chuyện này, khi tôi nhớ lại tuổi thơ mình, cách đây đã quá nửa thế kỉ, tôi mê sách đến mức bố tôi đọc gì, tôi đọc nấy. Hễ trông thấy sách là phải đọc cho kì được và kì hết mới thôi. Năm 7 tuổi tôi đã đọc “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán, “Giai cấp công nhân Việt Nam” của Trần Văn Giàu và “Những người khốn khổ” của V. Hugo…Ở tuổi thiếu nữ, tôi đã đọc “Jên Erơ” của Sáclốt Brônti, “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tônxtôi…Và tôi bị nhiễm sách văn học đến mức hồn nhiên thành học sinh giỏi Văn các cấp, rồi bị cuốn theo văn chương, làm nghề văn chương cả một đời, cho đến bây giờ và có lẽ cho… đến cõi. Tôi thật hàm ơn tiếng Việt, bởi tất cả cái gọi là sự nghiệp của mình về việc viết báo, viết văn bằng tiếng Việt chủ yếu là do cái đọc sách vô cùng ham hố từ thuở thiếu thời mà nên. Vậy nên, tôi đã cho rằng, bi kịch lớn nhất của một người đọc là ít đọc, và đọc không vỡ chữ. Huống hồ người đọc ấy lại là một người đọc đặc biệt: một nhà phê bình văn chương chẳng hạn…

Chính vì vậy, sự hình thành tính cách rất dễ mến, (nhà trường, cô giáo đã xác nhận bằng thực tế tiếp xúc, giảng dạy Đỗ Nhật Nam), rất năng động trong cách nghĩ, cách đọc, cách nhận xét sự vật và con người của Nam, cách ứng xử với công chúng truyền hình, với bạn bè, thầy cô... Nam đã rất xứng đáng với việc được xã hội đánh giá cao và chính thức thừa nhận Nam đang sở hữu hai kỉ lục: dịch giả nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản và người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam.

Tôi cũng phải thú nhận một cách rất hồn nhiên mà không “già dặn” chút nào: tôi thích cách dạy con của người sinh ra Nam, thích mẹ của Nam, biết dạy con đọc sách. Hoan hô mẹ Nam đã tạo tác được một tác phẩm giáo dục tốt đẹp là Đỗ Nhật Nam… Và việc tốt nhất của người lớn lúc này là hãy để Nam yên!

Nguyễn Thị Minh Thái

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm