Một tuần sau khi luật an ninh quốc gia Trung Quốc đại lục ban hành lên Hong Kong có hiệu lực, kinh tế đặc khu này đã cảm nhận những tác động đầu tiên từ việc thực hiện luật này, theo hãng tin Reuters.
Ngay lập tức sau khi luật an ninh có hiệu lực, ông Ivan Ng dọn bỏ toàn bộ các mặt hàng tranh, áp phích, cờ mang chủ đề biểu tình ra khỏi cửa hàng Onestep Printing của mình.
“Chúng tôi dọn hết mọi sản phẩm liên quan biểu tình ngay sau khi luật được ban hành, vì luật không đưa ra giới hạn rõ ràng (hành động gì) được xem là lật đổ” – ông Ng nói. Chỉ trong tuần qua doanh số bán của ông giảm tới 80%.
Một cửa hàng trà sữa màu vàng của ông chủ Liu ở Hong Kong – nơi khách hàng có thể gửi gắm các thông điệp ủng hộ biểu tình. Ảnh: NEW YORK TIMES
Bà Sandra Leung bán các mặt hàng nghệ thuật và phụ kiện mang chủ đề biểu tình qua trang web Wefund.hk. Sau khi luật an ninh có hiệu lực, bà Leung cho biết đã ngưng bán các mặt hàng trang bị bảo hộ, cờ phục vụ cho người biểu tình.
Bà Leung cho biết bà đã phải dọn bỏ các mặt hàng được xem là “nhạy cảm” như mặt nạ phòng độc người biểu tình hay dùng và các đồ vật có khẩu hiệu chống cảnh sát.
Ông Jeffey Cheong – chủ một tiệm tóc nam đã đóng cửa tiệm mấy ngày qua để dọn dẹp bỏ các đồ trang trí ủng hộ biểu tình.
Ông Ng, bà Leung, ông Cheong chỉ là ba trong 4.500 chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp nhỏ ở Hong Kong đã ủng hộ biểu tình.
Một số chủ cơ sở kinh doanh cho biết đã có cảnh sát ghé đến cơ sở và cảnh cáo họ rằng các đồ vật trang trí có chủ đề ủng hộ biểu tình là chống lại luật an ninh.
Trong thư trả lời gửi Reuters, một đại diện cảnh sát nói mục tiêu của mọi hành động thực thi luật pháp không phải nhằm vào các lá cờ hay khẩu hiệu, mà là “cấm các hành vi xúi giục hay khuyến khích người khác có các hành động ly khai hay lật đổ”.
Dù có bị cảnh sát ghé kiểm tra hay không, suốt tuần rồi, nhiều cửa hàng có chủ là người ủng hộ biểu tình đã dọn hết các “Bức tường Lennon” mà họ tạo ra và trưng bày trong cửa hàng mình để khách hàng lưu lại những lời nhắn ủng hộ biểu tình.
"Bức tường Lennon" trong cửa hàng trà sữa màu vàng của ông chủ Liu ở Hong Kong. Ảnh: NEW YORK TIMES
Thiếu những “Bức tường Lennon” này, khó có thể nhận diện cửa hàng nào ủng hộ biểu tình, cửa hàng nào không. Và điều này cũng tương tự đối với các trang web.
Tuần trước, trang mạng tên “Eat with you” (tạm dịch: Ăn cùng bạn) gồm danh sách các cửa hàng màu vàng (ủng hộ biểu tình) và màu xanh dương (ủng hộ Bắc Kinh) đã không còn hoạt động. Trang hkshoplist.com đã gỡ bỏ các lý do mình đưa ra để giải thích tại sao mình gọi các cửa hàng màu vàng.
Một nhà hàng màu vàng ở Hong Kong. Ảnh: NEW YORK TIMES
Các cửa hàng màu vàng là một hệ thống doanh nghiệp ủng hộ đợt biểu tình 2019-2020. Cụm từ “nhóm kinh tế màu vàng” được người biểu tình đặt ra từ thời phong trào biểu tình Dù vàng năm 2014, với mục đích vừa bảo vệ các doanh nghiệp này vừa tạo cơ hội việc làm cho người ủng hộ phong trào biểu tình, giảm sự lệ thuộc về kinh doanh vào Bắc Kinh.
Các cửa hàng màu xanh dương ủng hộ chính phủ Bắc Kinh và lực lượng cảnh sát Hong Kong. Các cửa hàng màu đỏ, các cửa hàng màu đen ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một quán sushi màu xanh dương bị phá phách hồi tháng 10-2019, thời điểm làn sóng biểu tình rất căng thẳng. Ảnh: NEW YORK TIMES
Các cửa hàng màu xanh lá cây trung lập về chính trị.
Theo Reuters, hiện một số chủ cửa hàng vẫn đang tìm cách giữ liên kết với các khách hàng ủng hộ phong trào biểu tình.
Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc đại lục ban hành lên Hong Kong cấm các hành vi được mô tả là ly khai, lật đổ, khủng bố, thông đồng với thế lực bên ngoài hủy hoại an ninh quốc gia, với hình phạt tối đa là tù chung thân. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7, chỉ một giờ trước sự kiện kỷ niệm 23 năm Anh trao trả Hong Kong về Trung Quốc. Ngày 3-7, chính quyền Hong Kong tuyên bố khẩu hiệu biểu tình “Giải phóng Hong Kong! Cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” là không hợp pháp, không được phép dùng. Các thư viện bắt đầu rà soát lại các cuốn sách do các nhà hoạt động vì dân chủ viết để xem có nội dung nào vi phạm luật an ninh hay không. Chính phủ đại lục và chính quyền Hong Kong khẳng định đặc khu vẫn có quyền tự trị cao, dù nhiều ý kiến cho rằng luật này vi phạm lời hứa của Trung Quốc bảo vệ tự do của Hong Kong trong 50 năm, sau khi được Anh trao trả năm 1997. |