Cảnh sát Hong Kong có thể khám nhà dân không cần lệnh

Ngày 6-7, chính quyền Hong Kong thông báo bảy quy định mới liên quan luật an ninh quốc gia mới có hiệu lực, áp dụng với lực lượng cảnh sát TP, báo South China Morning Post đưa tin.

Các quy định mới này được quyết định tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia do Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga chủ trì. Tham dự cuộc họp này có lãnh đạo các ban ngành cảnh sát, an ninh, tài chính, tư pháp, và di trú.

Ông Luo Huining – Giám đốc văn phòng liên lạc của chính phủ trung ương tại Hong Kong cũng dự cuộc họp này. Ông Luo sẽ giữ vai trò như cố vấn về an ninh quốc gia cho bà Lâm.

Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện luật an ninh quốc gia, vốn nhắm vào các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các thế lực bên ngoài hủy hoại an ninh quốc gia. Hình phạt tối đa là tù chung thân.

Cảnh sát có thể khám nhà dân không cần lệnh

Một nội dung trong các quy định mới là trong trường hợp ngoại lệ cảnh sát có quyền khám xét các địa điểm mà không cần lệnh tòa án. Nếu không chấp hành, đối tượng sẽ bị phạt từ 100.000 đô Hong Kong (12.900 USD) đến hai năm tù.

Cụ thể, theo quy định mới ban hành, cảnh sát buộc phải xin lệnh tòa án mới được phép vào và khám xét bất kỳ nhà cửa nào. Tuy nhiên nếu “trong những hoàn cảnh ngoại lệ, sĩ quan cảnh sát có cấp bậc không thấp hơn cấp ủy viên cảnh sát có quyền chỉ đạo nhân viên mình vào khám xét tìm chứng cứ ở địa điểm liên quan mà không cần lệnh”.

Cảnh sát đặc khu chống bạo động giải tán một cuộc tuần hành tại một trung tâm mua sắm ở Hong Kong ngày 6-7. Ảnh: AFP/Isaac Lawrence

Bên cạnh đó, cảnh sát có quyền yêu cầu các công ty internet tháo bỏ nội dung hoặc tịch thu thiết bị, yêu cầu các tổ chức chính trị hoạt động bên ngoài TP cung cấp thông tin.

Cụ thể, các công ty internet và các cá nhân sử dụng internet phải xóa mọi thông điệp điện tử hay thông tin trực tuyến được cho đe dọa đến an ninh quốc gia, cũng như ngăn không để người khác tiếp cận thông tin này. Nếu từ chối hợp tác, cảnh sát có thể xin lệnh tòa án để tịch thu thiết bị điện tử. Người nào không tuân thủ có thể bị phạt 100.000 đô Hong Kong và một năm tù giam.

Quy định không nói rõ về trường hợp thông tin nằm trong máy chủ ở nước ngoài, nhưng bên cung cấp dịch vụ internet ở Hong Kong nếu không hợp tác với cảnh sát có thể bị phạt 100.000 đô Hong Kong và sáu tháng tù giam.

Về chuyện cấm nghi can đang bị điều tra rời khỏi Hong Kong và trốn ra nước ngoài, cảnh sát có thể xin lệnh của tòa án yêu cầu nghi can giao nộp giấy tờ đi lại.

Nhiều cơ quan cùng vào cuộc

Lãnh đạo lực lượng cảnh sát TP được phép xin lệnh tòa án để phong tỏa hoặc sung công tài sản thuộc về nghi can. Bất cứ ai biết về tài sản liên quan đến hành động vi phạm luật an ninh quốc gia có nghĩa vụ thông báo với cảnh sát.

Lãnh đạo lực lượng an ninh có quyền yêu cầu các tổ chức chính trị ở Đài Loan hay nước ngoài cung cấp thông tin về hoạt động, cá nhân, tài sản, thu nhập, nguồn thu nhập, và chi phí của tổ chức ở Hong Kong. Người không hợp tác có thể bị phạt 100.000 đô Hong Kong và sáu tháng tù. Nếu cung cấp thông tin sai, không xác thực hay không hoàn chỉnh có thể cấu thành tội, bị phạt 100.000 đô Hong Kong và hai năm tù giam.

Lãnh đạo cơ quan tư pháp và lực lượng cảnh sát có thể xin lệnh tòa án để buộc một người phải trả lời thẩm vấn, cung cấp thông tin hay đồ vật chứng cứ theo yêu cầu của cảnh sát.

Theo quy định mới, tất cả mọi hành động ngăn chặn các hoạt động liên lạc và giám sát cần được sự chấp thuận của Trưởng đặc khu Lâm.

Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia sẽ giám sát việc thực hiện các hoạt động này. Tuy nhiên Trưởng đặc khu lâm có quyền chỉ định một cá nhân độc lập để giám sát trách nhiệm giám sát của Ủy ban này.

Các quy định này bị nhiều người chỉ trích là còn nguy hiểm hơn bản thân luật an ninh quốc gia. Cũng có ý kiến cho rằng một số quy định mơ hồ và cảnh sát có thể lạm dụng.

“Các quy định mới thật đáng sợ, vì chúng trao quyền cho lực lượng cảnh sát vốn bình thường được ngành tư pháp bảo vệ. Chẳng hạn, trong bối cảnh khẩn cấp và đặc biệt cảnh sát không cần có lệnh, nhưng quy định không giải thích hoàn cảnh đặc biệt là gì”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm