Hôm 30-6, luật an ninh Hong Kong chính thức được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (TQ) thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (1-7), theo hãng tin Reuters. Dù chưa công bố nội dung chi tiết, luật mới được cho là chứa điều khoản cấm những hành vi: khủng bố, ly khai, lật đổ chính quyền, thông đồng với các lực lượng nước ngoài gây bất ổn.
TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH KHXH&NV TP.HCM, nhận định: Luật an ninh Hong Kong sẽ lại khoét sâu thêm quan hệ đã rất căng thẳng giữa TQ và cộng đồng quốc tế thời gian tới. Bên cạnh đó, tình trạng người Hong Kong suy giảm niềm tin vào chính quyền Bắc Kinh và chính quyền đặc khu sẽ còn trầm trọng hơn.
Chọn ngày 1-7, Trung Quốc muốn gì?
. Phóng viên: 1-7 năm nay là kỷ niệm đúng 23 năm ngày Anh trao trả Hong Kong cho TQ. Với việc chọn đúng thời điểm đặc biệt này để thông qua luật an ninh, liệu Bắc Kinh có muốn gửi thông điệp nào đó về vấn đề Hong Kong và gửi đến ai?
+ TS Nguyễn Thành Trung: Việc chọn thời điểm 1-7 để thông qua luật an ninh Hong Kong đúng là chủ ý đặc biệt của TQ vì nhiều lý do. Đầu tiên, đây có thể xem là phản ứng chính thức và mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh đối với các đợt biểu tình hằng năm ở Hong Kong. Người Hong Kong cứ vào ngày 1-7 lại có truyền thống xuống đường tuần hành kỷ niệm ngày trao trả và biểu tình ôn hòa đòi cải cách chính trị. Cuộc tuần hành năm ngoái thu hút hơn 500.000 người tham gia.
Dù cảnh sát Hong Kong năm nay đã ra lệnh cấm tuần hành ngày 1-7, các đảng phái chính trị ở đặc khu này vẫn kêu gọi mọi người giữ nguyên truyền thống nhằm phản đối luật an ninh. Bao nhiêu người sẽ bị truy tố và các hình phạt răn đe sẽ nặng tới mức nào theo luật an ninh Hong Kong sẽ là câu hỏi lớn.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn làm rõ với phương Tây rằng Hong Kong về cơ bản vẫn là một lãnh thổ thuộc TQ đã được Anh trao trả từ năm 1997 nên việc ban hành luật vẫn được xem là vấn đề nội bộ TQ. Dù đúng là Hong Kong được hưởng quyền tự trị cao theo nội dung thỏa thuận trao trả, sau khi luật an ninh có hiệu lực, Bắc Kinh sẽ cho đặt cơ quan hướng dẫn thi hành luật tại Hong Kong. Tính độc lập cao của đặc khu này sẽ chấm dứt.
Thứ ba, đây là cách TQ thể hiện với thế giới phương Tây rằng nước này đã mạnh mẽ hơn nhiều. Bắc Kinh có thể không cần tuân theo các cam kết trước đây nếu họ đánh giá là bất hợp lý, đi ngược lại lợi ích quốc gia.
. Liệu đạo luật mới có giúp Bắc Kinh ổn định được tình hình Hong Kong?
+ Theo tôi, về mặt lâu dài thì luật an ninh này không giúp ổn định được Hong Kong khi gốc rễ của vấn đề không nằm ở việc thiếu vắng một bộ luật chế tài đối tượng gây mất ổn định xã hội, mà nằm ở sự mất niềm tin của người Hong Kong vào khả năng bảo đảm các quyền tự do cơ bản của chính quyền đặc khu. Điều này cũng chính là lý do người Hong Kong luôn nhạy cảm với bất kỳ dự thảo hay đề xuất nào Trưởng đặc khu Carrie Lam đưa ra có liên quan đến các quyền tự do công dân hoặc có dính dáng với chính quyền Bắc Kinh.
Cảnh sát Hong Kong phản ứng trước đợt biểu tình phản đối luật an ninh Hong Kong hồi tháng 5-2020. Ảnh: AP
Nhìn lại Hong Kong 23 năm qua
. Sau 23 năm được Anh trao trả về TQ, Hong Kong đã trải qua những thay đổi về kinh tế, chính trị, đời sống xã hội nào?
+ Hong Kong từng được mệnh danh là một trong bốn con rồng châu Á, bên cạnh Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Đặc khu này phát triển mạnh mẽ trong các thập niên 1960-1990. Tuy nhiên, Hong Kong lại từ từ đánh mất vị thế của mình trong sự phát triển kinh tế chung của toàn TQ. Vào năm 1997, Hong Kong là cửa ngõ duy nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến vào thị trường TQ cũng như là nơi dừng chân cho các doanh nghiệp TQ đi ra làm ăn với thế giới phương Tây. Tuy nhiên, đến năm 2019 kinh tế Hong Kong chỉ còn chiếm 2,5% tổng GDP của toàn TQ, thậm chí còn thấp hơn TP Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông.
Hong Kong những năm gần đây cũng chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ Singapore muốn giành lấy danh hiệu trung tâm tài chính thế giới từ lâu thuộc về đặc khu này. Thị trường lao động Hong Kong ảm đạm khi bị nhân lực từ đại lục đổ sang cạnh tranh, sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.
Ngoài ra, mâu thuẫn giàu nghèo trong lòng Hong Kong ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối mà chính quyền vẫn chưa tìm được giải pháp khắc phục, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Năm 2019, hệ số khoảng cách giàu nghèo Gini của Hong Kong đạt đỉnh 0,54 (khoảng cách tuyệt đối là 1), cao nhất trong 45 năm qua. Mâu thuẫn giàu nghèo ở Hong Kong cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác như Singapore ở mức 0,45 hay Mỹ ở mức 0,41.
Dù vậy, nhìn ở mặt tích cực, Hong Kong xét trên các phương diện như nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hay môi trường pháp lý minh bạch thì vẫn có thể sánh ngang với các trung tâm tài chính thế giới khác như thủ đô London của Anh và TP New York của Mỹ.
Tổ chức chính trị của cựu thủ lĩnh sinh viên Hong Kong Joshua Wong hôm 30-6 đã tuyên bố giải thể do lo ngại bị luật an ninh mới nhắm đến. Dù vậy, Joshua Wong vẫn kỳ vọng thế giới tiếp tục lên tiếng cho Hong Kong, theo hãng tin CNN. |
Quan hệ Trung Quốc và phương Tây sẽ ra sao?
. Luật an ninh mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ của TQ với phương Tây, đặc biệt là với Anh và Mỹ? Các viễn cảnh khả dĩ sẽ ra sao?
+ Quan hệ giữa TQ với phương Tây, đặc biệt với Anh và Mỹ chắc chắn sẽ xấu đi sau khi luật này chính thức được áp dụng. Mỹ có thể sẽ rút các hiệp định hay hiệp ước trao ưu đãi cho Hong Kong. Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua Đạo luật Dân chủ và Quyền con người Hong Kong để trừng phạt các viên chức TQ và Hong Kong chịu trách nhiệm xâm phạm quyền tự quyết của đặc khu này.
Về phía Anh, London vào tháng trước đã tuyên bố sẽ xem xét cấp quyền công dân cho người có hộ chiếu quốc gia Anh ở hải ngoại, được cấp cho người Hong Kong sinh trước năm 1997.
Các động thái của Anh và Mỹ lâu nay luôn bị TQ chỉ trích là can thiệp vào công việc nội bộ nước này và sắp tới sẽ không ngoại lệ. Trong khi đó, Anh, Mỹ xem luật an ninh mới là hành động phá vỡ tuyên bố chung Trung - Anh và đi ngược lại với cam kết của TQ trước đây.
Nhìn rộng ra, luật an ninh mới có thể đẩy phương Tây, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, về cùng một chiến tuyến đối đầu với TQ. Do đó, xung đột giữa phương Tây và TQ trong tương lai không chỉ là căng thẳng về thương mại hay ai là lãnh đạo thế giới mà còn là cuộc xung đột để bảo vệ các giá trị của phương Tây đang bị TQ đe dọa.
. Liệu có khả năng TQ sử dụng biện pháp cứng (như quân đội) để giải tán các phong trào biểu tình đang gia tăng rất mạnh ở Hong Kong?
+ Trong ngắn hạn, xác suất TQ sử dụng biện pháp cứng như quân đội là khá thấp. Chính quyền Bắc Kinh hiện có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề an ninh xã hội mà không cần phải dùng tới sức mạnh quân đội, chẳng hạn như ở Tân Cương.
Do đó, tôi cho rằng trong thời gian tới TQ vẫn sẽ chủ yếu dựa vào các lực lượng cảnh sát của Hong Kong để duy trì trật tự, tránh khoét sâu thêm mâu thuẫn với các quốc gia phương Tây. Dù vậy, vẫn có khả năng Bắc Kinh sẽ gửi cảnh sát đại lục sang chi viện cho chính quyền đặc khu nếu tình hình biểu tình gia tăng.
. Xin cám ơn ông.
Quốc tế phản ứng với luật an ninh Hong Kong mới Hôm 30-6, sau khi TQ chính thức thông qua luật an ninh Hong Kong, chính phủ Nhật Bản đã ra thông cáo khẳng định “rất lấy làm tiếc” cũng như khẳng định động thái này sẽ hạ thấp uy tín của TQ liên quan đến chính sách “một quốc gia, hai chế độ” dành cho Hong Kong, tờ South China Morning Post cho hay. Trong khi đó, phát ngôn viên chính quyền Đài Loan Evian Ting cho biết hòn đảo này “lên án mạnh mẽ” luật an ninh mới, nhấn mạnh luật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do và ổn định của Hong Kong. Hiện Mỹ chưa đưa ra phản hồi chính thức. Tuy nhiên, ngày 29-6, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo ngừng “các ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong, trong đó bao gồm các ngoại lệ về cấp giấy phép xuất khẩu”. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ ngừng xuất khẩu thiết bị quốc phòng và sản phẩm công nghệ cao sang Hong Kong. VĨ CƯỜNG |