Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong (AmCham Hong Kong) lo ngại về khả năng của đặc khu kinh tế này duy trì vị thế là một trung tâm kinh tế toàn cầu, đài CNN ngày 10-6 đưa tin.
Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham Hong Kong cho thấy nhiều doanh nghiệp có thể rời khỏi vùng lãnh thổ này để đến "một địa điểm khác" sau khi Trung Quốc phê chuẩn luật an ninh quốc gia riêng cho Hong Kong.
Khoảng 180 doanh nghiệp đã tham gia khảo sát của AmCham Hong Kong, chiếm 15% số thành viên của phòng thương mại này. Trong đó, hơn 50 doanh nghiệp trả lời rằng họ đang cân nhắc việc chuyển nguồn vốn, tài sản hay hoạt động kinh doanh ra khỏi Hong Kong.
Bà Tara Joseph - Trưởng Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong - chụp hình bên cạnh logo của văn phòng này. Ảnh: SCMP
Chuyên gia David Dollar đến từ Trung tâm John L. Thornton China, thuộc Viện Brookings - một trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ) - cho rằng đây là dấu hiệu của tâm lý lo ngại điều kiện kinh doanh ở Hong Kong sẽ thay đổi.
"Một cách tự nhiên, người ta chỉ suy nghĩ về một địa điểm thay thế trong trường hợp điều kiện kinh doanh xấu đi nhanh chóng" - ông Dollar nói.
Chuyên gia quản trị quốc tế Mauro Guillen thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng "động thái của Trung Quốc (về việc ban hành luật cho Hong Kong - PV) làm suy yếu niềm tin của các công ty đang ở Hong Kong để tiến hành các hoạt động kinh doanh liên quan tới Trung Quốc và phần còn lại của Đông Á".
"Nếu họ thấy các vấn đề và sự bất định, nhiều người sẽ rời đi", ông Guillen nói.
Một số nơi được các nhà đầu tư lựa chọn để thay thế Hong Kong, song CNN gọi Singapore là "đối thủ" hàng đầu và "duy nhất" của Hong Kong vì đảo quốc này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các trung tâm kinh tế khác như Tokyo, Sydney hay Đài Bắc.
Các chuyên gia cho rằng Singapore là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, nằm gần Trung Quốc - thuận tiện cho việc di chuyển bằng máy bay, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức và đặc biệt là quốc gia Đông Nam Á này có được "sự tự do kinh tế".
Ngày 21-5, truyền thông thế giới bắt đầu đưa tin về việc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) chuẩn bị thay mặt Hội đồng Lập pháp Hong Kong ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu này.
Ngày 28-5, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch ban hành luật trên với hơn 99% đại biểu đồng ý.
Động thái này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của các nước phương Tây và nhiều người dân Hong Kong. Những người phản đối cho rằng luật mới sẽ đe dọa nền tự do và mức độ tự trị cao của Hong Kong.
Giới chức Trung Quốc và Hong Kong bác bỏ cáo buộc này, cho rằng luật an ninh quốc gia chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ những "kẻ khủng bố" và sẽ giúp Hong Kong trở nên an toàn hơn.