Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hong Kong do báo South China Morning Post cho biết ngày 5-9, có ba nhà hoạt động tìm kiếm dân chủ cho Hong Kong được bầu vào Hội đồng Lập pháp kỳ này.
Đó là hai nhà hoạt động xã hội kỳ cựu Sixtus Leung - 30 tuổi, Eddie Chu - 38 tuổi. Nhân vật thứ ba là Nathan Law - 23 tuổi, một trong những lãnh đạo sinh viên của phong trào Dù vàng thực hiện cuộc biểu tình chiếm trung tâm đòi dân chủ ở Hong Kong năm 2014.
Nathan Law (cầm hoa) và lãnh đạo sinh viên Joshua Wong thuộc đảng Demosistō mừng chiến thắng ngày 5-9. Ảnh: AP
Lãnh đạo phong trào Dù vàng Joshua Wong ra mắt một đảng chính trị có tên Demosistō vào đầu năm nay, với mục tiêu là vào được Hội đồng Lập pháp Hong Kong, theo đuổi các chủ trương cải cách dân chủ. Bản thân Joshua Wong chưa đủ tuổi để tự ứng cử (19 tuổi) nên đảng Demosistō cử Nathan Law làm đại diện.
Joshua Wong từng nói với hãng tin CNN hồi tháng 8: “Đảng chúng tôi cần thiết phải có đại diện được bầu vào Hội đồng Lập pháp để có tiếng nói và sức mạnh chính trị, giúp chúng tôi theo đuổi mục tiêu đã định của mình”.
Mục tiêu của đảng Demosistō là muốn có một cuộc trưng cầu dân ý cho phép dân Hong Kong tự quyết định tương lai mình sau năm 2047, thời điểm kết thúc 50 năm chính quyền Trung Quốc đại lục cho phép Hong Kong có quyền tự chủ trong giới hạn theo thỏa thuận lúc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997.
South China Morning Post nhận định việc ba nhà hoạt động vì dân chủ được bầu vào Hội đồng Lập pháp đánh dấu sự xuất hiện của một lực lượng chính trị mới. Bước thay đổi này cho thấy cử tri Hong Kong đang ủng hộ một thế hệ chính trị mới hướng về mục tiêu vì một tương lai dân chủ hơn cho Hong Kong. Tuy nhiên, dù có thay đổi nhưng phần lớn Hội đồng Lập pháp lần này vẫn là các nhà lập pháp có tư tưởng thân Trung Quốc.
Eddie Chu họp báo sau khi thắng cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong ngày 5-9. Ảnh: REUTERS
Hội đồng Lập pháp Hong Kong có 70 ghế, được bầu bốn năm một lần. Đây là cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp đầu tiên ở Hong Kong kể từ sau cuộc biểu tình Chiếm trung tâm năm 2014 và trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu đặc khu trưởng nửa năm (2017).
Cuộc bầu cử ngày 4-9 thu hút nhiều cử tri Hong Kong đi bỏ phiếu hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Hong Kong được Anh trả về Trung Quốc năm 1997. Ngay từ đầu ngày sáng 4-9 đã có rất nhiều người bắt đầu xếp hàng dài hàng tiếng đồng hồ để được bỏ phiếu, cảnh tượng chưa hề thấy trong các cuộc bầu cử trước, theo South China Morning Post. Ít nhất một địa điểm bỏ phiếu phải mở cửa đến 2 giờ 30 sáng 5-9 để phục vụ bỏ phiếu cho một hàng dài cử tri đã xếp hàng từ 10 giờ 30 tối 4-9.