Ngày 22-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quang Thành, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Huy (TP Quy Nhơn, Bình Định), thừa nhận công ty này có ký hợp đồng mua tàu Fei Yue 9 của Công ty Foresight Marine Ltd (có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc) với giá 250.000 USD. Con tàu này đang mắc cạn trên một ghềnh đá ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn do bị bão số 12 đánh dạt vào khi đang hành trình từ cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đi Hong Kong (Trung Quốc).
Cũng theo ông Thành, sau khi ký hợp đồng mua bán, Công ty Vĩnh Huy đã chuyển cho chủ tàu 50% giá trị hợp đồng qua ngân hàng. “Tuy nhiên, sau khi chuyển 50% số tiền, chúng tôi phát hiện hợp đồng mua bán này là sai luật nên đã dừng lại. Chúng tôi đã gửi công văn đề nghị chủ tàu chuyển trả lại số tiền này và đang chờ họ trả lời”.
Tàu Fei Yue 9 bị kẹt trên ghềnh đá ven biển Quy Nhơn đang được làm thủ tục để phá dỡ. Ảnh: T.LỘC
Ông Thành cho biết thêm toàn bộ quá trình làm hợp đồng mua bán đều qua Chi nhánh Đại lý hàng hải Quy Nhơn (VOSA Quy Nhơn). “Họ làm hợp đồng xong thì thấy sai luật nên chúng tôi thống nhất làm lại thành hợp đồng thanh thải phá dỡ con tàu. Sau khi phá dỡ xong, công ty chúng tôi sẽ mua lại số sắt đó rồi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định” - ông Thành giải thích.
Cùng ngày, ông Huỳnh Anh Văn, Trưởng phòng Pháp chế hàng hải Cảng vụ Quy Nhơn, cho biết ông cũng có nghe chuyện mua bán con tàu trên. Ông Văn khẳng định việc mua bán con tàu như thế là không đúng quy định của pháp luật. “Theo quy định của pháp luật, nếu mua bán nguyên con tàu sẽ rất khó khăn, phức tạp về thủ tục. Muốn nhập khẩu vào Việt Nam thì phải làm thủ tục xóa tên tàu ở nước ngoài, xin phép Bộ GTVT cũng như nhiều cơ quan chức năng khác. Chủ này là ở Trung Quốc, thuê quốc tịch Mông Cổ, nếu làm thủ tục xóa tên sẽ rất phức tạp. Trong trường hợp này, hợp đồng mua bán không đúng pháp luật thì không có giá trị” - ông Văn nói.
Ngay cả việc thực hiện thủ tục thanh thải phá dỡ tàu Fei Yue 9, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề không rõ ràng.
Theo hồ sơ do cảng vụ cung cấp, Công ty Foresight Marine Ltd đã ký hợp đồng, giao Công ty Vĩnh Huy lập phương án trình cơ quan chức năng phê duyệt, tiến hành phá dỡ tàu Fei Yue 9 với chi phí 10.000 USD. Sau khi hoàn thành thanh thải, Công ty Vĩnh Huy được quyền mua số sắt vụn từ con tàu. Hiện Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn đang xem xét phê duyệt phương án thanh thải tàu Fei Yue 9.
“Theo quy định, chủ tàu ở nước ngoài được phép chỉ định, thuê Công ty Vĩnh Huy tiến hành phá dỡ con tàu ra rồi hai bên được phép mua bán. Sau đó, bên mua hoặc bên bán phải làm thủ tục nhập khẩu số phế liệu đó vào Việt Nam”. Ông Văn nói thế và cho biết thêm Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn sẽ làm việc với các bên để xác định tư cách pháp nhân của Công ty Vĩnh Huy cũng như VOSA Quy Nhơn trong việc xử lý tàu Fei Yue 9.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc VOSA Quy Nhơn, tiếp tục phủ nhận việc đơn vị này tham gia vào quá trình hợp đồng mua bán tàu Fei Yue 9 như đại diện Công ty Vĩnh Huy thông tin. Ông Cường cho rằng VOSA Quy Nhơn chỉ hỗ trợ về thông tin cho Công ty Vĩnh Huy.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng cho hay đã giao cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý việc mua bán tàu Fei Yue 9 do việc mua bán này sai quy định của pháp luật.