Ngày 27-7, tại TP Đà Nẵng, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo đề án thực hiện thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung.
Sẽ thí điểm 12-15 tỉnh/thành
Theo dự thảo đề án, dự kiến sẽ có khoảng 12 - 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm hợp nhất gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang.
Việc lựa chọn các địa phương thực hiện thí điểm dựa trên nguyên tắc có tính đại diện cho các vùng, miền và xét theo đặc điểm của chính quyền địa phương gồm: Chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo hay đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.
Cạnh đó, ưu tiên các địa phương chủ động đề xuất được thực hiện thí điểm trước; những địa phương tích cực, năng động và sẵn sàng trong việc áp dụng mô hình mới; những địa phương có trụ sở làm việc rộng rãi đủ để bố trí bộ máy văn phòng chung ở cùng một địa điểm.
Dự kiến thời gian thực hiện thí điểm là 12 tháng, từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 31-12-2019. Sau thời gian thí điểm sẽ báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng để có cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung ba luật và tổ chức triển khai thực hiện vào nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong thời gian tổng kết, các tỉnh, thành phố trên vẫn duy trì thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ĐB cho rằng thời gian thí điểm là quá ngắn nên khó có thể để đánh giá được hiệu quả của mô hình này. ĐB Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, kiến nghị kéo dài thời gian thành hai năm, tuy nhiên cứ khoảng 6 tháng phải sơ kết, 2 tháng phải tổng kết thí điểm/lần để đánh giá hiệu quả thực tế. Còn theo ĐB Phan Thái Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, ba năm sẽ là khoảng thời gian hợp lý.
ĐB Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cho rằng chỉ nên lựa chọn 8 đơn vị để thực hiện thí điểm việc hợp nhất.
ĐB Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cho rằng việc lựa chọn 12-15 đơn vị để thực hiện thí điểm là hơi nhiều, các tỉnh/thành đại diện cho từng khu vực bị lệch. Theo ĐB Thắng, khi lựa chọn cần phải dựa trên cơ sở đại diện vùng miền, mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn là cơ bản nhất chứ không phải vì sự hăng hái của các địa phương.
“Các đơn vị xung phong đăng ký là hoan nghênh nhưng đã thí điểm thì chúng ta phải căn cứ vào cơ sở nhất định để chọn lựa. Tôi thấy nên phân chia ra ba khu vực, phía bắc ba đơn vị, miền Trung –Tây Nguyên hai đơn vị và khu vực phía nam chọn ba đơn vị. Ngoài ra, ít nhất phải có hai tỉnh miền núi, bốn tỉnh đồng bằng và phải có hai thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, ta chọn 8 đơn vị là hợp lý” – ông Thắng cho hay.
Chánh văn phòng có “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
Theo đề án, về mặt tổ chức, văn phòng sau khi sáp nhập dự kiến bao gồm một chánh văn phòng và không quá bốn phó chánh văn phòng. Trong đó, có một phó chánh phụ trách hoạt động của đoàn ĐBQH; một phó chánh phục vụ hoạt động của HĐND; một phó chánh phục vụ UBND và một phó chánh phục vụ mảng tổ chức, hành chính, quản trị chung.
Về phương thức hoạt động, các ĐB thống nhất với phương án văn phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng. Theo đó, chánh văn phòng sẽ là người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của văn phòng trước Thường trực HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Trưởng đoàn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH và pháp luật. Các phó chánh văn phòng thực hiện giúp việc theo phân công của chánh văn phòng.
Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lê Minh Trung cho hay việc sáp nhập ba văn phòng có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Tại hội nghị, nhiều ĐB tỏ ra lấn cấn về vai trò, trách nhiệm của chánh văn phòng sau khi sáp nhập. Ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho hay khó nhất có lẽ là cái khó trong công tác tham mưu, giúp việc của các văn phòng.
Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành thì chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan được quy định cụ thể và mang tính độc lập của từng cơ quan. Do vậy, công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ vì cùng một lúc phải tham mưu cho cơ quan giám sát (Đoàn ĐBQH, Thường trực và các Ban HĐND TP), vừa phải tham mưu cho cơ quan hành chính (UBND thành phố), trực tiếp triển khai các nghị quyết của HĐND ban hành.
“Điều này dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu, phục vụ sẽ có nhiều bất cập và hạn chế” – ông Trung nói.
Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng lấy ví dụ: “Ông chánh văn phòng trường hợp này phải chia nửa cái đầu, một bên phục vụ chủ tịch hội đồng, một bên phục vụ ủy ban. Có người hỏi tôi, trong trường hợp chủ tịch HĐND bảo chánh văn phòng làm một cái nội dung yêu cầu UBND báo cáo. Ông này ký thông báo gửi ủy ban yêu cầu báo cáo. Chủ tịch ủy ban phê, giao ông chánh văn phòng thực hiện nội dung báo cáo đó. Thư ký làm các thứ xong xuôi rồi trình lên chánh văn phòng. Rồi chánh văn phòng báo cáo trình chủ tịch hội đồng. Nếu ông chủ tịch bảo không được, ông chánh văn phòng sẽ bảo: “Được chứ, vì em tham mưu mà”.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tiếp các ý kiến để kịp thời sửa đổi, bổ sung vào dự thảo đề án trước khi thực hiện thí điểm tại các địa phương.
Chung ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Ái Vân, Phó chủ tịch HDND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết văn phòng có chức năng, nhiệm vụ, phục vụ ba chủ thể là đoàn ĐBQH, HĐND, UBND nên chắc chắn sẽ có những bất cập, không khách quan và hiệu quả công việc không cao.
Bà tỏ ra lo lắng về việc sau khi hợp nhất, khối lượng công việc nhiều như vậy thì liệu chánh văn phòng có đảm đương được hay không. “Khi sáp nhập, vai trò của chánh văn phòng là rất lớn, nhiều việc mang tính sự vụ, cụ thể. Chánh văn phòng có bị quá tải hay không? Tôi nói thật, có những việc chánh văn phòng không thể đảm đương, quán xuyến được hết cả ba mảng. Rồi cả việc tham mưu liệu có kịp thời, đi sâu đi sát không?” – ĐB đặt vấn đề.
Cạnh đó, ĐB Vân cũng cho rằng cần phải tính toán kỹ về nhân sự sau khi sáp nhập ba văn phòng, tránh tình trạng giảm chỗ này lại phình chỗ kia.
“Theo tính toán sơ bộ, chúng ta có 189 chánh văn phòng, ít nhất có 378 phó chánh văn phòng. Nếu hợp nhất sẽ giảm được 126 chánh văn phòng và ít nhất 126 phó chánh văn phòng. Như vậy, 252 người sẽ giải quyết như thế nào? Đương nhiên là sẽ có cách bố trí. Tuy nhiên, như vậy có nghĩa là chúng ta giảm ở nơi này nhưng lại phình sang chỗ khác. Cái này chúng ta phải nghiên cứu, xác định lộ trình đi sao cho phù hợp” – bà góp ý thêm.