Những ngày nghỉ lễ vừa qua, dòng người đổ về khu trung tâm TP.HCM, nhất là khu vực phố đi bộ khá đông. Tuy nhiên, khi có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng thì tìm đỏ con mắt không thấy. Các nhà vệ sinh công cộng gần đó đều quá tải. Các nhà hàng, quán ăn thì từ chối cho người bên ngoài vào sử dụng dù được năn nỉ để trả tiền.
Chị Phan Song Hòa kể: “Tối 31-12-2018, tôi đưa các con đến chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Khi con có nhu cầu đi vệ sinh, tôi dắt con vào hai khu nhà vệ sinh công cộng ở phố đi bộ đều chật kín. Tôi đưa con ra các nhà hàng, quán ăn gần đó để xin đi nhờ rồi trả tiền nhưng họ nhất định từ chối. Một bữa đi chơi khủng khiếp”.
Ông Thái Văn Tài, một tài xế taxi, kể: “Mới vừa rồi tôi chở một gia đình từ huyện Hóc Môn lên quận 1 đi chơi. Xe chạy gần đến nơi thì bé trai than đau bụng và phải đi nhà vệ sinh gấp. Tôi cứ chạy vòng vòng tìm nhà vệ sinh công cộng nhưng không thấy, có lẽ do tôi chưa rành đường. Tìm lâu quá chờ không nỗi nên thằng bé đi trên xe luôn. Thật là khổ!”.
Một nhà vệ sinh công cộng được một doanh nghiệp đầu tư tại Công viên Lê Văn Tám, người dân cần nhiều hơn những nhà vệ sinh như thế này. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Trên địa bàn TP hiện có tổng cộng 208 nhà vệ sinh công cộng, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5 và trong các công viên nằm rải rác các quận, huyện. Con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là những ngày lễ, Tết.
Từ năm 2018, Sở Du lịch TP.HCM đã từng trình UBND TP phương án xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, trong đó có hai phương án được đưa ra là giao các doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư nhà vệ sinh cao cấp để phục vụ dân và khách du lịch, hai là vận động các hàng quán ở khu trung tâm treo bảng cho khách đi vệ sinh miễn phí. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng, quán ăn nơi đây không ủng hộ.
Anh Th., một chủ nhà hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, lý giải: “Nếu có quy định buộc chúng tôi phải cho người dân bên ngoài sử dụng nhà vệ sinh chung là một quy định làm khó những người kinh doanh như chúng tôi. Bởi nhà vệ sinh của nhà hàng dùng để phục vụ cho thực khách vì thực khách bỏ tiền ra nên chúng tôi phục vụ. Đừng nghĩ đầu tư nhà vệ sinh không tốn kém. Hằng tháng chúng tôi phải bỏ tiền thuê người quét dọn, tiền giấy, nước… tính ra tốn hơn 5 triệu đồng/tháng. Vì thế, chúng tôi cho người ngoài vào thì lấy tiền đâu mà bù vào”.
Trao đổi với chúng tôi chiều 2-1, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết phương án tăng cường nhà vệ sinh công cộng cho khu trung tâm TP đã được UBND TP giao cho Sở TN&MT chủ trì nghiên cứu, thực hiện.
Đến Đà Nẵng, đi vệ sinh thoải mái như ở nhà Đến TP Đà Nẵng, chỉ cần thấy logo “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” dán trước cửa nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… thì du khách hoàn toàn có thể vào sử dụng nhà vệ sinh miễn phí, thoải mái và sạch sẽ như ở nhà. Đây là mô hình do Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, TP Đà Nẵng phát động từ tháng 4-2015 và được nhiều nhà hàng, quán ăn uống hưởng ứng. Anh Hồ Trần Anh Vũ, quản lý nhà hàng Apsara (đường Trần Phú, quận Hải Châu), chia sẻ: “Nhà hàng tham gia dự án từ năm 2016, cũng không gặp quá nhiều khó khăn để thực hiện. Một hành động nhỏ nhưng nó vừa đáp ứng nhu cầu rất thiết thực và chính đáng của mọi người, vừa cho bạn bè quốc tế thấy Đà Nẵng đang thực sự trở thành một thành phố đáng sống” - anh Vũ cho hay.
Chị Hồ Trâm Anh, quản lý quán cà phê Leevins Study, cho biết khách tới quán sử dụng nhờ nhà vệ sinh thường là khách quốc tế. “Quán đã tham gia dự án được khoảng sáu tháng. Những người vào xin sử dụng nhờ nhà vệ sinh có cả khách trong và ngoài nước, chủ yếu là những người đang đi ngoài đường bị “kẹt”, nhìn thấy tấm biển “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” nên vào quán xin đi vệ sinh nhờ. Sử dụng xong thì họ rất vui vẻ, chúng tôi cũng không thấy phiền hà gì” - chị Trâm Anh chia sẻ. Nằm ở tuyến đường tập trung nhiều khách du lịch, quán cà phê Danang Souvenirs & Cafe mỗi ngày đón chào khá nhiều du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. “Một số ít khách trong nước thường xả giấy, rác lung tung khiến chúng tôi dọn rất cực. Trong khi đó, người nước ngoài thì luôn giữ gìn, lau dọn mọi thứ sạch sẽ trước khi rời đi. Ngoài ra, họ hay nói câu “cám ơn” và “xin lỗi vì đã làm phiền” trước khi rời đi” - anh Ngọc Duy, nhân viên của quán, chia sẻ. Để hỗ trợ du khách, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu phối hợp với Công ty Enouvo thực hiện ứng dụng “Comfort as home” trên điện thoại di động. Chỉ cần cài đặt ứng dụng này, du khách có thể nhanh chóng tìm ra nhà vệ sinh miễn phí gần nhất, cũng như biết được quãng đường, thời gian đến đó mất bao lâu. Hiện nay mô hình nhà vệ sinh miễn phí đang được nhân rộng ra nhiều quận trên địa bàn TP Đà Nẵng và hai địa phương lân cận là Huế và Quảng Nam. Từ hiệu quả của mô hình này, mới đây tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh dành cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm nhằm nhân rộng hiệu quả của mô hình này trên cả nước. TÂM AN |