Chiều 16-7, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên án vụ Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam EximBank tại TP Vinh, Nghệ An) và 15 bị can trong vụ “rút ruột” hơn 50 tỉ đồng.
Bị cáo Lam.
HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Lam là nguy hiểm cho xã hội, lợi dụng lòng tin của khách hàng và đồng nghiệp để rút tiền, làm mất niềm tin khách hàng; chỉ vì muốn làm giàu phi pháp đã thực hiện hành vi lừa đảo phạm tội trong thời gian dài.
Bị cáo có các tình tiết xem xét giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, đã khắc phục một phần hậu quả, được bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt…
Tuy nhiên, bị cáo chiếm đoạt số tài sản lớn, phạm tội nhiều lần kéo dài thời gian, nên cần xử phạt nghiêm minh.
Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm và tuyên án.
Đối với các bị cáo nguyên nhân viên EximBank đã làm trái quy chế, trái quy trình nghiệp vụ có sai phạm, VKSND truy tố là có căn cứ. Hành vi của các bị cáo cũng đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước nói chung và ngân hàng nói riêng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu Ngân hàng EximBank. Các bị cáo quá tin tưởng vào bị cáo Lam đã dẫn đến phạm tội.
HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thị Lam tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, tuyên buộc bị cáo Lam phải bồi thường cho Ngân hàng EximBank số tiền hơn 17 tỉ đồng (đã trừ đi số tiền Lam đã khắc phục và tài sản tịch thu, kê biên...).
Tuyên phạt bị cáo Đặng Đình Hồng (45 tuổi, nguyên giám đốc Phòng giao dịch EximBank Đô Lương; trú xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) năm năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với bị cáo Bùi Văn Trường (44 tuổi, nguyên kiểm soát viên Phòng giao dịch EximBank Đô Lương; trú phường Lê Mao, TP Vinh) được miễn trách nhiệm hình sự.
13 bị cáo khác (nguyên là nhân viên Chi nhánh Ngân hàng EximBank tại TP Vinh) bị tuyên án từ sáu tháng cải tạo không giam giữ đến ba năm tù treo thử thách năm năm được hưởng án tù treo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tòa cũng tuyên buộc Ngân hàng EximBank phải tất toán cho các khách hàng mà Lam đã rút tiền trong hệ thống EximBank. Trong đó, tất toán tiền gốc và lãi cho bà Lê Thị Dung hơn 90 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Thu Hà hơn 320 triệu đồng, bà Võ Thị Hương hơn 6 tỉ đồng; bà Nguyễn Thị Kiều Hương hơn 11 tỉ đồng nhưng được khấu trừ hơn 9 tỉ đồng nên phải tất toán cho bà Hương hơn 1,7 tỉ đồng…
Tuyên bố kê biên mảnh đất ở có diện tích 611 m ở xã Nghi Phú (TP Vinh) của Lam để đảm bảo thi hành án. Tiếp tục duy trì lệnh kê biên của cơ quan điều tra để đảm bảo thi hành án đối với lô đất số 190, tờ bản đồ số 21 tại xóm 15, xã Nghi Phú của anh Nguyễn Văn Hiếu tương ứng với số tiền bị cáo Lam phạm tội mà có rồi cho anh Hiếu vay.
Như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, từ năm 2012 đến 2016, Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống.
Sau đó, bị cáo cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Cũng có nhiều trường hợp Lam giả mạo chữ ký của khách hàng, sau đó cầm đưa đến cho nhân viên ngân hàng nói dối là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng.
Bị cáo Nguyễn Thị Lam được luật sư an ủi, động viên sau khi HĐXX xét xử tuyên án.
Do tin tưởng Lam, do sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Đặng Đình Hồng (45 tuổi, nguyên giám đốc Phòng giao dịch EximBank Đô Lương), các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt. Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của sáu khách hàng trong hệ thống EximBank với tổng số tiền hơn 50 tỉ đồng.
Đối với 15 cán bộ, nhân viên chi nhánh ngân hàng đã cố ý làm trái quy định về gửi tiền, rút tiết kiệm khi làm việc tại phòng giao dịch và Chi nhánh EximBank Vinh, để Lam lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống EximBank Vinh của sáu khách hàng.
Chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, từ năm 2012 đến 2016, Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống. Sau đó bị cáo cầm về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Do tin tưởng Lam và sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của bị cáo, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ hoặc không có mặt. Bằng thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của sáu khách hàng trong hệ thống EximBank với hơn 50 tỉ đồng. Đối với 15 cán bộ, nhân viên của chi nhánh ngân hàng đã cố ý làm trái quy định nghiệp vụ để Lam lợi dụng chiếm đoạt số tiền trên. |