HỌC TẬP TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Hứa hay mà làm dở thì đừng hứa

Trong các phẩm chất cốt yếu nhất của cán bộ lãnh đạo như lý luận và trí tuệ; năng lực tổ chức thực tiễn; phẩm chất đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là gốc của người cách mạng.

Mình phải “chính” trước mới giúp người khác “chính”

Từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, Bác đã đưa ra 23 tiêu chí về tư cách của người cách mệnh, những tiêu chí đó bây giờ vẫn còn giá trị như cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư;… nói thì phải làm; cả quyết sửa lỗi mình; ít lòng tham muốn vật chất… Không có tư cách, phẩm chất đạo đức ấy thì dù có tài mấy anh cũng không làm được. Thậm chí anh lại sử dụng tài năng đó phục vụ riêng cho anh hay cho một nhóm nào đó chẳng hạn thì có khi lại có hại.

Thế nhưng đáng tiếc là hiện nay, một bộ phận cán bộ, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý lại có biểu hiện rời xa những tiêu chí đó. Đây là một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận. Ngay từ năm 1945, Bác đã nói đến chuyện “làm quan cách mạng”. Bác nhìn thấy trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, công chức dễ sa vào ham muốn quyền lực, ham muốn vật chất, đó là hai ham muốn khó vượt qua. Cái danh và lợi gắn với nhau… từ đó mà lo vun vén bản thân, xa rời lý tưởng phụng sự nhân dân, Tổ quốc.

Sinh thời Bác nêu cho cán bộ đảng viên một luận điểm quan trọng: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”… “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”…

Trong di chúc, Bác có nói sau này thắng lợi việc trước nhất là phải chỉnh đốn lại Đảng, Người căn dặn phải gìn giữ sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Bác từng nói Nhà nước của ta không phải để cai trị dân mà là để phục vụ dân, công bộc của dân, bản thân cán bộ, công chức chưa nhận thức được điều đó, người ta chỉ nhận thức đã là bộ máy nhà nước thì có quyền hành làm theo ý mình và buộc người dân phải tuân thủ, vì thế người ta rất dễ đi tới vi phạm chuẩn mực về đạo đức của người công vụ. Từ đó gây ra những tổn thương về hình ảnh của người cán bộ trong mắt dân. Đây là tiền đề để khoảng cách giữa cán bộ và người dân ngày một thêm xa.

Bác là người hành động, nói ít chủ yếu là làm và cùng hướng mọi người đến hành động. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Đông (12-1-1958). Ảnh: TƯ LIỆU

Đừng có hứa suông trước dân

Một điều phải hết sức lưu ý là trách nhiệm với lời hứa của mình trước dân. Cán bộ phải xem lời hứa là sự cam kết chính trị của mình trước nhân dân để thực hiện nó bằng cả trí tuệ và tấm lòng. Lời nói và hành động phải thống nhất, hứa mà không làm thì nguy hiểm lắm. Điều đó sẽ làm mất niềm tin ở người dân. Ngày xưa Bác hứa một điều nhỏ thôi cũng làm cho kỳ được, ví dụ như Bác hứa sẽ mua cho một cháu là con của đồng bào dân tộc cái vòng bạc là Bác thực hiện. Làm cán bộ thì từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải chỉn chu.

Bác là người hành động, nói ít chủ yếu là làm và cùng hướng mọi người đến hành động. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền cách mạng non trẻ, chính Bác Hồ là người xác định đất nước đang đứng trước ba thứ “giặc” là “giặc đói”, giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Để chiến đấu chống giặc đói, Người kêu gọi cả nước đẩy mạnh sản xuất tăng gia, lập “Hũ gạo cứu đói” bằng cách mỗi bữa bớt lại một nắm gạo, mười ngày nhịn ăn một bữa. Không chỉ là người đứng ra phát động phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chính là người đã nêu gương đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này. Có một câu chuyện kể lại là đúng bữa cơ quan Chính phủ nhịn ăn thì Bác Hồ phải dự một bữa tiệc ngoại giao. Chiều hôm đó, Người đã tình nguyện cắt cơm để bù lại trước sự sững sờ của tất cả anh chị em phục vụ trong cơ quan.

Hay như khi về thăm các địa phương, Bác mang cơm nắm với muối vừng để tiết kiệm gạo, tiền của nhân dân, Bác nói: “Người ta dọn ra một bữa cơm sang, có khi Bác chẳng ăn đâu nhưng rồi để lại cái tiếng đấy: Bác Hồ đến thăm cũng làm một bữa cơm sang, cũng điều người này, người khác từ giao tế sang, chuẩn bị cả buổi”. Vậy là Bác mang nắm cơm theo ăn cho tiện, ăn no rồi đến làm việc...

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Xúc động lễ treo, hạ cờ ở lăng Bác

Trong những ngày tháng 5, hàng vạn người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đến thủ đô Hà Nội để vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 125 ngày sinh của Người. Từng bước chân nhẹ nhàng, lặng lẽ, tất cả đều một lòng thành kính, tri ân, xúc động tưởng nhớ đến Bác.

Một ngày bắt đầu ở quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là lễ treo cờ Tổ quốc lúc 6 giờ sáng. 5 giờ 50, loa phát thanh từ quảng trường thông báo “Đã đến giờ cử hành lễ chào cờ. Đề nghị nhân dân ở khu vực quảng trường dừng mọi hoạt động, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lễ chào cờ trang trọng”. Không ai bảo ai, tất cả người dân đang đi dạo, tập thể dục ở khu vực này quay mặt về hướng lăng, đứng nghiêm trang. Khúc nhạc Tiến bước dưới quân kỳ vang vọng “Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa”. Đội nghi lễ quân phục chỉnh tề, hùng mạnh vác súng hành tiến đến trước cột cờ và thực hiện nghi thức treo cờ. Tiếng quốc ca thiêng liêng ngân vọng cả vùng trời Hà Nội.

Hứa hay mà làm dở thì đừng hứa ảnh 2

Người dân thủ đô đi dạo, tập thể dục sáng ở quảng trường Ba Đình nghiêm trang hướng về lăng Bác trong lễ chào cờ. Ảnh: TUẤN CƯỜNG

Giờ hạ cờ bắt đầu từ lúc 20 giờ cùng ngày. Loa truyền thanh thông báo: “Đã đến giờ lễ hạ cờ. Đề nghị nhân dân ở khu vực quảng trường dừng mọi hoạt động, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lễ hạ cờ trang trọng”. Không ai bảo ai, hàng ngàn người dân thủ đô đi dạo mát và khách thập phương tự giác lùi về phía sau ô cỏ thứ ba, đứng nghiêm trang mắt hướng về lăng Bác. Lễ hạ cờ bắt đầu. Khúc nhạc Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân hùng tráng phát ra từ phía lăng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh đến từ TP.HCM xúc động: “Lần đầu tiên đến lăng Bác, em xúc động quá. Nghe quốc ca, ngước nhìn cờ Tổ quốc lòng em trào dâng lòng yêu nước”. Anh Nguyễn Quốc Thịnh và Trần Văn Nguyên đến từ Bến Tre chia sẻ: “Xúc động nhất là lúc lời quốc ca ngân vang. Tôi cảm thấy Tổ quốc thiêng liêng gần gũi quá”.

TUẤN CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm