KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

‘Không làm được đầy tớ dân, hãy rút lui!’

“Khi không còn làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tôi vẫn tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên. Người dân nói sẽ lựa chọn ứng cử viên nào mà tôi tín nhiệm. Tôi thấy đó là một phần thưởng còn cao hơn cả huân chương mà mình đã nhận”. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân nguyện và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, đã nói như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Cả đời trả nợ Nhân Dân

. Phóng viên: Trong 31 năm làm ĐBQH, có thể nói bà là con người của hành động, ở đâu dân oan ức là bà không quản ngại khó khăn xuống tận nơi. Điều gì đã thôi thúc bà?

+ Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng hộp cơm mình ăn cũng là người dân nuôi mình. Trả nợ dân là việc tôi phải làm cho đến bao giờ nhắm mắt xuôi tay. Tôi vẫn tự hào 31 năm làm ĐBQH không phải do mình có tài mà chính là dựa vào sự tín nhiệm của nhân dân. Những năm đó có đêm tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng, thức đọc những oan ức của người dân. Vụ án của Lê Bá Mai đã chấm dứt nhưng với tôi, bao giờ nỗi oan ức này còn là tôi xem như chưa xong. Vụ án bộc lộ những dấu hiệu oan sai mà tòa vẫn không nghe, tôi coi đó là việc chưa xong.

. Bà đã tiếp cận vụ án ấy vào ngày Lê Bá Mai sắp bị xử bắn?

+ Vào năm 2005, xong cuộc họp về giám sát cai nghiện ma túy, khi bước ra khỏi cửa phòng họp của UBND TP.HCM, nhà báo Thanh Mận chặn tôi lại và nói: “Cô Thu ơi, nhờ cô xem giúp trường hợp này”. Tôi nói đơn thư đưa thế này tôi đâu có nhận được, phải gửi đến cơ quan chứ. Thanh Mận nói bị án này sắp chết tới nơi rồi. Tôi cầm đơn đọc và có một niềm tin Lê bá Mai bị oan thật. Lúc đó tôi gửi thư cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương đề nghị xem xét lại vụ án. Sau đó vụ án được xác minh lại và kháng nghị giám đốc thẩm.

Hành động của tôi còn xuất phát từ bổn phận của một người đảng viên. Đảng đã lựa chọn, cho mình gia nhập vào hàng ngũ thì mình phải làm hết trách nhiệm của một đảng viên trước nhân dân. Làm việc gì cũng phải nghĩ đến quyền lợi của người dân trước quyền lợi của cá nhân mình. Khi mình đặt quyền lợi của dân trước, mình không bị thiệt gì hết, dù là thiệt hại nhỏ nhất.

. Bác Hồ từng dạy cán bộ là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Bà quan niệm như thế nào về tư tưởng đó của Bác?

+ Từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ tới giờ, nếu không có nhân dân, nếu cán bộ là quan thì công cuộc cách mạng không bao giờ thành công. Hiện nay muốn đưa đất nước phát triển, người cán bộ cũng phải tiếp tục làm công bộc cho dân.

Thoát án tử hình và được tại ngoại sau phiên tòa sơ thẩm lần 3, việc làm đầu tiên của bị cáo Lê Bá Mai (Bình Phước) là đến thăm bà Nguyễn Thị Hoài Thu. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Tháng 6-2000, hay tin bà Nguyễn Thị Hoài Thu về đối thoại với người dân khiếu kiện, hàng trăm người dân thị xã Tân An (Long An) đã tụ tập từ sáng sớm trước hội trường UBND tỉnh để xin gặp bà. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Bà Nguyễn Thị Thạnh, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, Phú Yên trong những ngày đi kiện tại Hà Nội năm 1998. Ảnh: ĐỨC HIỂN

Tôi chưa lần nào được gặp Bác Hồ nhưng qua hành động và tấm lòng của Bác, tôi coi đó là tấm gương để soi chiếu. Tôi thấm thía nhất từ Bác Hồ là bài học lấy dân làm gốc. Cán bộ Đảng như cá sống trong nước, dân là nước. Nếu ai đó nghĩ rằng ngày nay Đảng đã lớn mạnh, có vị thế rất cao, lực lượng hùng hậu, có trí tuệ thông minh, đường lối đúng đắn mà không nghĩ rằng chính nhân dân là người sinh ra Đảng thì sẽ sai lầm. Tôi nghĩ rằng cán bộ của Đảng thì phải biết dựa vào dân, thở hơi thở của dân, sống cuộc sống của dân và làm việc vì dân, cho dân.

Học Bác đã khó, làm theo Bác càng khó. Học thì chỉ cần có trình độ nhưng làm theo Bác là đấu tranh tư tưởng rất lớn. Nếu tôi không công tâm, nghĩ rằng tôi có thành tích thế này thì con tôi cũng phải như thế này, trong khi đó con tôi không năng lực bằng con người khác, cân nhắc đưa lên bàn cân và loại con mình ra, đó là một điều khó khăn.

Bác Hồ nói “đầy tớ” của dân, đó là phục vụ dân, lo trước nhân dân, hưởng sau nhân dân. Nếu chúng ta chọn được đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo Đảng cao nhất cho đến cán bộ cơ sở đều là công bộc, đó là hạnh phúc của nhân dân. Còn nếu cán bộ làm quan của dân thì hãy coi chừng.

Cây xanh nhiều hơn cây chết

. Bà đánh giá như thế nào về tư tưởng “cán bộ là công bộc của nhân dân” trong cán bộ hiện nay?

+ Nhìn vào rừng phải thấy cây xanh nhiều hơn cây chết. Trong đội ngũ cán bộ hàng triệu đảng viên, theo tôi cán bộ tốt vẫn nhiều hơn. Nhưng chúng ta chưa hoàn toàn an tâm. Tại sao hiện nay nhiều cán bộ quan liêu đến thế, sao nhiều vụ việc người dân cần nhưng cán bộ chậm trễ giải quyết vậy. Cán bộ tham nhũng, có thể nói bây giờ trở thành thói quen. Người dân nói muốn đi làm một việc gì đó cũng phải chuẩn bị tiền lót tay, bôi trơn, hối lộ, muốn thi công chức cũng phải chuẩn bị tiền. Tình trạng xa dân cũng là điều đáng báo động. Muốn đất nước vững bền thì phải gần dân, bám dân và đừng bao giờ để trong nhà người dân hết gạo. Như thế người dân sẽ yêu Đảng muôn đời.

Nhiều cán bộ của chúng ta còn không hiểu dân, người dân cũng không hiểu mình, khoảng cách đó còn lớn lắm.

Trong một hội thảo của Đoàn ĐBQH TP.HCM về Luật Tổ chức Chính phủ, tôi đã từng đặt vấn đề: Có bao nhiêu cán bộ thực sự là công bộc của dân theo tư tưởng của Bác Hồ? Tôi nói với tâm thế người trong cuộc nhìn thấy có rất nhiều người có tâm, có tài nhưng họ thiếu “cái gì đó” mà không được trọng dụng. Nếu chúng ta chí công vô tư, không tham nhũng, không ăn hối lộ khi lựa chọn cán bộ thì chúng ta sẽ chọn được người công bộc của dân đúng nghĩa.

. Để thực sự cán bộ là công bộc của dân theo tư tưởng của Bác Hồ, cần phải làm gì, thưa bà?

+ Nếu muốn làm cán bộ phải xác định rằng mình làm đầy tớ cho dân. Còn nếu không muốn làm đầy tớ thì đừng làm cán bộ. Có ai ép mình đâu, không làm được công bộc của dân thì hãy rút lui. Tôi không cường điệu chút nào, tôi đang tổng kết từ quá trình làm việc của mình. Người dân chọn cán bộ cũng phải chọn những người trung thành với đất nước, phụng sự Tổ quốc.

TÁ LÂM thực hiện

“Chỗ của ĐBQH là ở trong dân…!”

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu quê quán Tiền Giang, là ĐBQH từ năm 1976 đến 2007. Điểm nổi bật của bà là sự lắng nghe, đồng cảm với nỗi oan ức của dân. Nhiều số phận được thay đổi nhờ sự giám sát mạnh mẽ, quyết liệt của bà. Năm 1999, khi giám sát vụ việc bà Nguyễn Thị Thạnh, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, Phú Yên, bà Hoài Thu phát hiện bà Thạnh không chỉ bị oan ức mà còn không được hưởng chế độ người có công theo quy định. Lãnh đạo huyện giải thích vì bà Thạnh chưa có huân, huy chương, bà Hoài Thu vặn ngay: “Vin vào cớ chưa có huân, huy chương nên không xét, trong khi chính các anh là người có trách nhiệm xét đề nghị tặng huân, huy chương cho bà Thạnh thì các anh không làm. Các anh đánh đố dân à?”.

Năm 1998, báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh vụ bà Trần Thị Xanh (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vừa vạ vật ăn xin vừa đi kiện vì một vụ án oan dẫn đến mất nhà. Bà Hoài Thu phản hồi ngay: “Tôi đã đọc loạt phóng sự ấy do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Vũ Đức Khiển chuyển tới. Tôi sẽ kiến nghị giám sát vụ này!”. Kết quả bà Xanh được trả lại nhà. Bà Thu cho biết đã phải “đấu tranh quyết liệt với tòa án, đánh động cả hệ thống chính trị” vụ việc mới được làm sáng tỏ.

Năm 2000, khi giám sát tại Long An, bà Hoài Thu tổ chức đối thoại. Một người dân là ông Dương Văn Nguyên nói rằng đất của ông không được cấp giấy đỏ dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Giám đốc Sở Địa chính nói đây là lần đầu tiên nghe chuyện này. Bà Hoài Thu hỏi: “Quy định giám đốc sở mỗi tháng phải tiếp dân một lần, anh có thực hiện không? Nếu anh tiếp dân thì sao giờ anh mới nghe chuyện này? Hoặc anh đã bỏ tiếp dân, hoặc anh quá quan liêu!”.

Bà thường nói: “chỗ của ĐBQH là ở trong dân chứ không phải ở trong Hội trường Ba Đình!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm