Phải xây dựng chính quyền đô thị

Sáng 16-10, tại hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề xuất phải tổ chức chính quyền đô thị ở các TP khác với chính quyền ở nông thôn.

Chính quyền đô thị hai cấp

Ông Trực cho rằng thực tế hiện nay quản lý một TP, nhất là TP lớn như Hà Nội và TP.HCM giống như quản lý một tỉnh bất kỳ là không phù hợp. Bởi vì so với một tỉnh có dân số bằng 1/4 dân số TP, thậm chí khoảng 10%-15% dân số TP, GDP tỉnh quá nhỏ so với GDP TP và tỉnh không nộp ngân sách hoặc nộp ít, trong khi TP nộp khoảng 15%-30% tổng ngân sách quốc gia. “Điều đó là bất hợp lý và gây ra nhiều khó khăn trong điều hành thực tế của các TP lớn, kể cả tạo tâm lý không công bằng trong tâm tư cán bộ và nhân dân” - ông Trực nói.

Một nguyên nhân nữa cần phải tổ chức chính quyền đô thị ở các TP, theo ông Trực, do TP cũng là một đơn vị trực thuộc trung ương như các tỉnh, thành khác nên quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích nhân dân của TP bị hạn chế theo tính chất bình quân cả nước về các mặt như biên chế, chi ngân sách, vốn đầu tư của trung ương trên địa bàn…

Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM: “Phải tổ chức chính quyền đô thị ở các TP khác với chính quyền ở nông thôn”. Ảnh: TÁ LÂM

Trên cơ sở đó, ông Trực kiến nghị Quốc hội chủ trương xây dựng chính quyền đô thị ở các TP trực thuộc trung ương. Chính quyền đô thị là chính quyền hai cấp: cấp TP và cấp phường. Cấp phường sẽ được điều chỉnh quy mô dân số và diện tích thích hợp. Còn các quận không phải là cấp chính quyền mà sẽ trở thành cánh tay nối dài của chính quyền TP. Còn vùng nông thôn còn lại của các TP vẫn áp dụng tổ chức và cơ chế chính quyền như các huyện của cả nước một cách thống nhất.

Cần tăng quyền cho người đứng đầu TP

Nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ Diệp Văn Sơn cũng cho rằng khu vực nông thôn và khu vực đô thị có nhiều đặc thù khác nhau, việc tổ chức quản lý cào bằng đối với hai khu vực này là không phù hợp. Theo ông Sơn, Nhà nước đã phân cấp một số lĩnh vực cho hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM nhưng sự phân cấp như vậy chưa đủ tầm, chưa phát huy hết nguồn lực của hai TP lớn này và có thể nói rộng ra cả hệ thống đô thị của cả nước.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, kiến nghị luật nên có sự khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, không thể có sự áp đặt giống nhau, cào bằng.

Theo ông Tài, để chính quyền đô thị hoạt động có hiệu quả luật phải có sự minh định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mỗi cấp, mỗi bộ phận và đặc biệt là người đứng đầu và các thành viên trong mỗi ủy ban. Ông lấy ví dụ từ thực tế diễn ra hiện nay như trong việc chống tham nhũng chúng ta nói trách nhiệm của người đứng đầu nhưng chính cơ chế điều hành của chúng ta, trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng. “Khi có chuyện thì chúng ta lấy tập thể ra đỡ. Không có chuyện thì chúng ta tốt. Nên có sự minh định cho ông chủ tịch được quyền nhiều hơn để ổng chịu trách nhiệm lớn hơn. Nếu còn như hiện nay, phải chấp nhận quy chế báo cáo của các phó chủ tịch” - ông Tài nói.

Chú ý đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân nguyện và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng dự án luật đưa ra phương án 1 về tổ chức chính quyền địa phương nhưng không đề cập gì đến “tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, điều mà Hiến pháp năm 2013 đã nói đến. Phương án 2 có đề cập đến nhưng nếu biểu quyết chọn phương án 1 thì luật riêng khác sẽ khó quy định vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bao trùm tất cả đơn vị hành chính trong nước.

Bà Thu cho rằng “nên quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ngay trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Còn tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở đâu, khi nào là do Quốc hội quyết định”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm