Hướng dẫn xử án treo của Tòa Tối cao vẫn chưa ổn

Ngày 4-11, tại Vĩnh Phúc, TAND Tối cao đã tổ chức hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo.

Theo phản ánh từ các địa phương, mặc dù TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 01 và nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng chế định án treo và nội dung các hướng dẫn đều khá cụ thể nhưng thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất.

Thu hẹp phạm vi án treo

Rất thẳng thắn, PGS-TS Trần Văn Độ (cựu Phó Chánh án TAND Tối cao) nhận xét nhìn chung Nghị quyết 01 đã giúp cho thẩm phán, hội thẩm đỡ khó khăn hơn trong quyết định về án treo, “cầm tay chỉ việc” cho họ trong xét xử. Tuy nhiên, một số hướng dẫn khá máy móc, khô cứng. Điều này đã thu hẹp phạm vi án treo luật định, thu hẹp khả năng tùy nghi - một điểm đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của thẩm phán; chưa đáp ứng chính sách hình sự hướng thiện, vì con người, coi trọng tính phòng ngừa, thu hẹp phạt tù…

Ông Độ dẫn lại khoản 1 Điều 65 BLHS 2015: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo”.

“Điều luật quy định “căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ...” nghĩa là điều luật không hề đòi hỏi người phạm tội phải có nhân thân tốt như vẫn quan niệm trong thực tiễn gần đây” - ông Độ nói. Ông cho biết có thời kỳ tình tiết này được hướng dẫn theo hướng chỉ cần người phạm tội “có nhân thân không xấu” là có thể cho hưởng án treo.

Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên chỉ ra một điểm bất cập khác. Nghị quyết quy định: “Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này, họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác...”. “Vậy nếu không đóng quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa… có bị coi là không “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú” hay không? Khi áp dụng tình tiết này có cần ý kiến nhận xét, đánh giá của chính quyền địa phương hay không?” - Chánh án Minh Tuyên nói.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Ảnh: ĐM

Bất bình đẳng trong nhóm tội tham nhũng

Liên quan đến vấn đề bình đẳng trong việc áp dụng án treo, ông Quảng Đức Tuyên (TAND Cấp cao tại TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc những người phạm vào nhóm tội liên quan đến tham nhũng sẽ ít có cơ hội được hưởng án treo, nếu không muốn nói là không có cơ hội hưởng án treo. Tuy nhiên, sẽ là không công bằng đối với những đồng phạm về tham nhũng nhưng giữ chức vụ nhỏ, vai trò thứ yếu, bị rủ rê, mua chuộc, phục tùng mệnh lệnh cấp trên, không được chia phần chiếm đoạt, thiệt hại người này gây ra không lớn và đã được khắc phục...

Ông Đức Tuyên ví dụ: “Kế toán HTX tham nhũng vặt vài triệu đồng không thể nào áp dụng giống những người tham nhũng hàng chục tỉ đồng”.

Theo ông Minh Tuyên, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán khá cụ thể về các trường hợp không cho hưởng án treo, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Hướng dẫn này cũng điều chỉnh các trường hợp phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Năm 2017: 88 vụ xử án treo sai

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhận định năm 2017 mặc dù số bị cáo được tòa án cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật đạt 99,5% nhưng vẫn còn 88 trường hợp (chiếm 0,5%) cho hưởng án treo không đúng quy định, phải sửa án. Trong đó có một trường hợp phạm tội tham nhũng, chức vụ, tòa án cấp sơ thẩm tuyên hình phạt tù cho hưởng án treo, bị tòa án cấp phúc thẩm sửa án chuyển sang hình phạt tù giam.

Thế nhưng theo ông, sau khi nghị quyết ra đời, việc áp dụng đường lối xét xử các vụ án liên quan đến chức vụ, quyền hạn rất khó khăn. Thực tế, tỉnh Bắc Ninh đã xét xử nhiều vụ án cán bộ xã, cán bộ thôn bán đất trái phép để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như đường, trường, trạm… phục vụ cho lợi ích cục bộ của địa phương. Dù không chứng minh được các bị cáo có tư lợi nhưng theo đúng nghị quyết hướng dẫn, các bị cáo này không được hưởng án treo.

Nghị quyết cũng hướng dẫn “…không được xử phạt án tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án...”. Theo  ông Minh Tuyên, nói như thế nào là tội phạm mà dư luận xã hội đặc biệt lên án thì chưa rõ. Có những thông tin không chính xác, xuyên tạc xuất hiện, có “sự tác động của người trong cuộc” để thu hút, kích động người dân gây áp lực cho cơ quan tiến hành tố tụng, tạo nên làn sóng dư luận dữ dội khiến chính người “cầm cân nảy mực” phần nào đó cảm thấy lúng túng trong việc xác định thì có thuộc trường hợp “dư luận xã hội lên án” hay không?

Nhiều thẩm phán có tâm lý “xử phạt tù cho lành”

PGS-TS Trần Văn Độ cho biết: Theo khảo sát và tìm hiểu của ông, trong khoảng 10 năm (2007-2016), tỉ lệ bị cáo được hưởng án treo tăng đến năm 2009 và giảm dần; đặc biệt là từ năm 2014, sau khi Nghị quyết 01 được ban hành và có hiệu lực. Năm 2008 tỉ lệ các bị cáo được hưởng án treo chiếm khoảng 28% người bị kết án; năm 2013 là 20%-22% và năm 2016 là 16%-18%.

Cũng theo ông Độ, kết quả xét xử phúc thẩm cho thấy số bản án sơ thẩm bị sửa từ phạt tù chuyển sang cho hưởng án treo thường cao gấp 3-4 lần số bản án sơ thẩm bị sửa từ án treo sang phạt tù. Từ đó cho thấy nhiều bị cáo đáng lẽ có thể được hưởng án treo nhưng tòa không mạnh dạn quyết định. Ở các nước, tỉ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chỉ chiếm 50%-60%, còn ở Việt Nam khoảng 96%.

Cựu phó chánh án TAND Tối cao đưa ra nhiều nguyên nhân. Đáng chú ý là hướng dẫn áp dụng án treo quá chặt, thu hẹp phạm vi áp dụng; tâm lý, thói quen phạt tù trong truyền thống xét xử của tòa án, coi phạt tù là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong phòng, chống tội phạm. Cạnh đó, dư luận xã hội thiếu tích cực đối với tình hình áp dụng án treo, cho rằng án treo không có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, đồng thời cũng nghi ngờ có tiêu cực của thẩm phán. Lý do khác là quy chế kỷ luật trong quản lý thẩm phán cũng làm cho một số thẩm phán e ngại trong áp dụng án treo, khiến nhiều thẩm phán có tâm lý “xử phạt tù cho lành”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm