Hướng đi nào cho TP.HCM để tinh gọn bộ máy?

(PLO)- Chuyên gia cho rằng TP.HCM đang đối mặt nhiều điểm nghẽn cần giải quyết trước khi bước qua giai đoạn mới, trong đó tinh gọn bộ máy là việc cần được thực hiện mạnh mẽ trong giai đoạn tới. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sáng 27-11, Thành ủy phối hợp Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức tọa đàm “TP.HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng TP.HCM đang đối mặt với nhiều điểm nghẽn cần giải quyết trước khi bước qua giai đoạn mới. Trong đó, tinh gọn bộ máy là một trong những khía cạnh được các chuyên gia đề cập đến, nhất là với một đô thị như TP.HCM.

TP.HCM làm gì để tinh gọn bộ máy?-tinh-gon-bo-may (9).JPG
Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia tham dự. Ảnh: THANH THÙY

Định vị rõ chức năng nhà nước, thị trường để tránh phình bộ máy

Đề cập đến cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy theo tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra, TS Trần Du Lịch nói trong đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, cần tiếp cận rõ ở góc độ thể chế, tổ chức bộ máy và con người.

Theo ông, phải làm đồng bộ cả ba nội dung này, tiến tới xây dựng mô hình mẫu về chính quyền đô thị, tăng tính tự quản. TP.HCM cần phải định hình được đâu là mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) để tiến tới xây dựng luật đô thị đặc biệt.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng cần định vị lại chức năng nhà nước trong quan hệ thị trường và quan hệ công dân.

"Nếu không định vị được thì chúng ta tổ chức bộ máy cứ phình. TP.HCM muốn tiến hành tinh gọn thì phải định vị lại chức năng của từng địa phương. Để xây dựng bộ máy tương xứng để thực hiện, còn không chúng ta chỉ đẻ ra bộ máy phình to hơn” - ông nói và nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng một việc không biết ai chủ trì, không biết bao nhiêu người làm như hiện nay.

TP.HCM làm gì để tinh gọn bộ máy?-tinh-gon-bo-may.jpg
TS Trần Du Lịch nêu hàng loạt góc nhìn về tinh gọn bộ máy. Ảnh: THANH THÙY

Đồng tình, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu TP.HCM, cho rằng muốn tinh thì phải vạch rõ nhà nước có thể làm gì, tư nhân làm gì. Quan trọng nhất là nên trao quyền mạnh hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các cơ quan cần xác định được Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nên làm gì và không nên làm gì, những việc không làm có thể giao đơn vị bán công, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tư nhân thực hiện.

TS Vũ cũng nhấn mạnh, muốn tinh, gọn thì bắt buộc cần chuyển đổi số. TP có thể hoàn toàn thúc đẩy những mô hình chuyển đổi số mạnh mẽ; tiến tới mục tiêu đến năm 2030, dịch vụ công, tương tác giữa chính quyền, người dân được thực hiện trên nền tảng số.

ki-nguyen-vuon-minh-tphcm (1).jpg
TS Trương Minh Huy Vũ nói việc nâng cao vai trò quản lý của đội ngũ cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện rất quan trọng. Ảnh: THANH THÙY

TS Vũ cũng cho rằng việc nâng cao vai trò quản lý của đội ngũ cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện rất quan trọng. Bên cạnh sự tinh gọn bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương thì vai trò của HĐND, vai trò của Viện kiểm sát, của Tòa án sắp tới cũng rất quan trọng.

Giao quyền mạnh mẽ cho cấp sở

Còn theo PGS.TS Đinh Phương Duy, nguyên Phó Giám đốc phụ trách, Học viện Cán bộ TP.HCM, việc tinh gọn bộ máy cần thực hiện với tinh thần quyết liệt và khẩn trương, trong đó cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

Ông nêu ví dụ, với mô hình chính quyền đô thị, chủ tịch UBND quận sẽ bổ nhiệm trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận còn Giám đốc Sở GD&ĐT lại chỉ đạo về chuyên môn, như vậy sẽ không có tác động mạnh mẽ gì đến trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận.

“Với TP.HCM nên chăng chỉ có một giám đốc sở chỉ đạo cho tất cả cơ sở giáo dục, kể cả ngành y tế hay các lĩnh vực khác. Có như thế thì việc chỉ đạo mới thông suốt từ trên xuống dưới, có tính nhất quán và làm được việc, chứ không phải xuống địa phương là bị tắc ở chỗ chủ tịch quận, các phòng chức năng khác”- PGS.TS Đinh Phương Duy nêu ý kiến.

Ông đề xuất cần hướng đến giao quyền mạnh mẽ hơn cho các sở, dần hướng đến nền quản trị chuyên nghiệp, trực tuyến.

tinh-gon-bo-may-tphcm (7).jpg
PGS.TS Đinh Phương Duy nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: THANH THÙY

PGS.TS Đinh Phương Duy cũng đề cập đến điểm nghẽn khác là về công tác cán bộ. “Tại sao cán bộ ngại xông pha, một số cán bộ được bổ nhiệm nhưng không thuận lòng dân. Tại sao cán bộ mới nhận chức không lâu lại bị kỷ luật, thậm chí là bị truy tố?” - ông Duy đặt câu hỏi.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng cần có sự đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng về công tác cán bộ. Lâu nay dù có làm nhưng vẫn còn theo quy trình, dân chủ, bỏ phiếu tín nhiệm… và cách làm đó vẫn để lọt người không đủ năng lực vào bộ máy.

“TP có thể thí điểm tuyển chọn lãnh đạo giám đốc sở trở xuống. Nếu được có thể xem xét mở rộng, cho cạnh tranh thi tuyển chức danh giám đốc sở và chỉ bổ nhiệm giám đốc sở còn các phó giám đốc sẽ do giám đốc lựa chọn. Hoặc chỉ bổ nhiệm cấp trưởng, còn cấp phó do cấp trưởng lựa chọn. Khi có một êkíp làm việc như thế thì mới có sự nhất quán, thông suốt trong chỉ đạo của một cơ quan, đơn vị” - TS Duy đề xuất.

Về tuyển chọn người tài, PGS.TS Đinh Phương Duy cho rằng có nhiều trường hợp không qua thi tuyển công chức và chưa cần là đảng viên thì cứ mạnh dạn tuyển chọn. Nếu cứ dựa vào tiêu chí đảng viên thì không nhìn thấy được những người có năng lực khác.

Con người ở thế kỷ 21, thể chế ở thế kỷ 20 thì khó bước vào kỷ nguyên mới

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, cho rằng nói thể chế là điểm nghẽn thì cũng cần xác định rõ khâu nào đang nghẽn thực sự.

TP.HCM làm gì để tinh gọn bộ máy?-tinh-gon-bo-may (10).jpg
PGS.TS Nguyễn Tất Viễn nêu ý kiến. Ảnh: THANH THÙY

Ông cho rằng điểm nghẽn quan trọng khác ở đây là về con người. Vì vậy, cần đào tạo những con người mới để phù hợp với kỷ nguyên mới. Riêng với TP.HCM, ông cho rằng cần sớm xây dựng luật đô thị đặc biệt cho địa phương.

“Cần tránh trường hợp con người ở thế kỷ 21 nhưng thể chế lại ở thế kỷ 20 thì khó mà bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình được” - PGS.TS Nguyễn Tất Viễn nói.

Cũng theo ông, để bước vào kỷ nguyên mới rất cần sự cải cách đồng bộ về hành chính, tư pháp và lập pháp. Trong ba lĩnh vực này, cải cách tư pháp còn chậm và cần chú trọng hơn.

Kết luận tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết các ý kiến của chuyên gia sẽ giúp TP.HCM nhận diện và dự báo những vấn đề, khó khăn, thách thức đã, đang và sẽ đối mặt.

Qua đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực để Đảng bộ, chính quyền TP kịp thời xử lý, giải quyết và chủ động bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Kỷ nguyên đi đầu chứ không chỉ hội nhập quốc tế

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng quy hoạch chung, Sở QH-KT TP.HCM, cho rằng cần xác định kỷ nguyên mới là kỷ nguyên đi đầu, chứ không chỉ là hội nhập quốc tế. TP.HCM cũng cần hướng đến xây dựng chính quyền kiến tạo, chính quyền hành động, chính quyền năng động.

Với chính quyền kiến tạo, TP có 13 triệu người nên đây sẽ là nguồn lực vật chất vừa có khả năng đột phá, vừa là yếu tố căn bản cho phát triển bền vững. Trong đó, lực lượng lao động và chất xám, tri thức công nghệ là thế mạnh, phải được ưu tiên phát huy.

Vì vậy, TP.HCM phải đầu tư cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Nghiên cứu cho phép đột phá vào chuỗi giá trị cao, nắm lấy vị thế quan trọng nhất về kinh tế.

Về chính quyền hành động, TP phải hướng đến hành động vì nguyện vọng, lợi ích của người dân. Trong đó, việc cần làm nhanh là đầu tư vào hạ tầng giáo dục, y tế và nhà ở, giao thông và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Về chính quyền năng động, TP phải bám sát thị trường và chủ động đề ra các chính sách dẫn dắt khuyến khích đầu tư phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm