Hướng tới điều trị đột quỵ ngay trên xe cấp cứu

(PLO)-  Điều trị bệnh nhân đột quỵ ngay trên xe cấp cứu hiện được xem là một bước đột phá mới ở châu Âu, nếu được áp dụng ở Việt Nam kỳ vọng sẽ giảm đáng kể tỉ lệ tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị Đột quỵ diễn ra vào hai ngày 29 và 30-10, do Hội Đột quỵ TP.HCM tổ chức, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, cho biết trước đây cứ sáu người bình thường trên thế giới sẽ có một người bị đột quỵ thì hiện nay chỉ bốn người sẽ có một người bị đột quỵ.

Đây là một con số hết sức đáng báo động, tương đương với 25% nguy cơ đột quỵ trong cả cuộc đời của một người. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có tỉ lệ tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ nhất.

Chụp mạch máu ngay trên xe cấp cứu

Theo BS Thắng, một trong những chìa khóa để thành công trong điều trị đột quỵ là thời gian. Bệnh nhân (BN) phải đến BV trong thời gian “cửa sổ vàng” (dưới 4-5 giờ đầu) và điều trị tại BV với quy trình càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân tập phục hồi chức năng sau đột quỵ ở BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp. Ảnh: HOÀNG LAN

Bệnh nhân tập phục hồi chức năng sau đột quỵ ở BV Phục hồi chức năng - Điều trị
bệnh nghề nghiệp. Ảnh: HOÀNG LAN

“Tuy vậy, những năm gần đây những điều kể trên là chưa đủ. Khoảng cách từ nhà của một số BN đến trung tâm điều trị đột quỵ quá xa, do đó làm trễ thời gian vàng. Do đó, hiện thế giới đã đi thêm một bước là điều trị ngay trước BV. Chỉ cần tiết kiệm 15 phút sẽ giảm được 4% BN tử vong” - BS Thắng cho hay.

Phục hồi chức năng đột quỵ đòi hỏi một nỗ lực bền vững và phối hợp từ một nhóm lớn, bao gồm BN và mục tiêu của họ, gia đình và bạn bè, những người chăm sóc khác. Việc cung cấp các chương trình phục hồi chức năng toàn diện với đầy đủ nguồn lực, liều lượng và thời gian là một khía cạnh thiết yếu của chăm sóc đột quỵ và cần được ưu tiên.

ThS-BS HOÀNG TIẾN TRỌNG NGHĨA, Chủ nhiệm Khoa nội thần kinh BV Quân y 175

Theo quy trình điều trị ngay trước BV, xe cấp cứu sẽ được trang bị máy CT-scan để đánh giá tình trạng bệnh trong lúc xe di chuyển đến trung tâm đột quỵ. Đặc biệt, nhân viên y tế trên xe sẽ sử dụng hệ thống telemedicine (y học từ xa) để kết nối với bác sĩ ở BV để ra quyết định điều trị. Với mô hình này, trước khi đến BV, BN tối thiểu đã được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Giai đoạn điều trị trước khi BN đến BV được xem là giai đoạn quyết định. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, ngay cả đối với BN xuất huyết não.

“Khi áp dụng mô hình điều trị ngay trên xe cấp cứu, có đến 33% BN đột quỵ ở châu Âu được điều trị chỉ trong vòng 60 phút kể từ lúc khởi phát tình trạng. Trong đó, gần một nửa BN được tái thông tĩnh mạch khi điều trị ngay trên xe, trước khi đến trung tâm đột quỵ để lấy huyết khối. Đây là một con số trong mơ, được xem là một bước đột phá mới trong điều trị đột quỵ” - BS Thắng nêu.

Theo BS Thắng, việc triển khai tối ưu quy trình này tại Việt Nam không dễ dàng. Đó cũng là lý do Việt Nam có nhiều trung tâm đột quỵ nhưng số lượng trung tâm đột quỵ tham gia điều trị cấp cứu không nhiều. Hiện ở Việt Nam có ít trung tâm đột quỵ có thể điều trị ở thời điểm từ 6-24 giờ đầu và còn tùy vào mức độ tổn thương mạch máu não. Ngoài ra, khó khăn còn nằm ở chi phí điều trị khi có khá nhiều BN không có bảo hiểm y tế.

“Sẽ rất khó để Việt Nam có mô hình điều trị BN đột quỵ ngay trên xe cấp cứu đạt chuẩn như Mỹ, tuy nhiên tương lai có thể hướng tới áp dụng mô hình này. Chúng tôi sẽ hợp tác với Trung tâm Cấp cứu 115 để đưa ra quy trình chuyển viện phù hợp nhất cho BN đột quỵ tại Việt Nam. Chắc chắn chúng ta không thể nào bằng họ được nhưng nếu biết đường đi và đi theo, hy vọng sẽ có những thành tựu bất ngờ” - BS Thắng tự tin nói.

Khó phòng đột quỵ tự ý dừng thuốc

Ngoài điều trị kịp thời, phòng ngừa đột quỵ là giải pháp quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong. Tại hội nghị, BS Thắng cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân gây đột quỵ là BN chỉ uống thuốc phòng ngừa bệnh vài tuần, vài tháng, vài năm rồi bỏ. Theo BS Thắng, phòng ngừa đột quỵ phải xem là một việc lâu dài và suốt đời. Ngoài ra, trong phòng ngừa đột quỵ, sau khi tìm ra các nguyên nhân của bệnh, cần đặt ra các mục tiêu để hiệu quả phòng ngừa đạt tối đa. Phòng ngừa bệnh đột quỵ đòi hỏi cao sự tuân thủ điều trị của BN và theo dõi của bác sĩ.

“Tuy nhiên điều này thật sự xa xỉ ở Việt Nam. Bởi BN chỉ dùng thuốc vài tháng, lâu hơn là vài năm, sau đó còn tự ý dừng thuốc. Đặc biệt, có người chỉ chọn những thuốc họ cảm thấy quan trọng để uống chứ không muốn đi khám nữa. Vì thế hiệu quả phòng ngừa ở Việt Nam hiện nay không đạt đúng như mong đợi” - BS Thắng lo ngại và cho rằng cần tăng cường biện pháp giáo dục hằng ngày trên các phương tiện truyền thông.

Khuyến cáo phục hồi chức năng sau đột quỵ

Tại hội nghị, ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa nội thần kinh BV Quân y 175, cũng nêu một vấn đề đáng lưu ý là BN bị trầm cảm sau khi xảy ra đột quỵ. BN cần được tập thể dục ít nhất bốn tuần sau đó, điều trị bằng thuốc nếu không có các chống chỉ định và cần được tham vấn của các bác sĩ tâm thần, tâm lý.

Cạnh đó, BN sau đột quỵ cũng có thể rối loạn ngôn ngữ, cần được hỗ trợ chức năng hô hấp, phát âm và các phương thức giao tiếp bổ sung cho lời nói, phục hồi chức năng từ xa thay thế khi điều trị trực tiếp không thuận lợi.

Ngoài ra, họ có thể giữ thăng bằng kém, sợ té ngã và nguy cơ té ngã cao nên cần được phục hồi chức năng thăng bằng, mang dụng cụ hỗ trợ và chỉnh hình thích hợp để cải thiện. Đi kèm là kết hợp các bài tập tim mạch và các can thiệp tăng cường có thể cải thiện dáng đi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm