Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trong vụ Nguyễn Thị Bích Loan (ngụ Quảng Ngãi) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết án tội nặng hơn tội VKS truy tố
Đây là một vụ án khá hi hữu mà Pháp Luật TP.HCM từng thông tin. Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến tháng 10-2010, Loan đã cho bà NTNM (chủ tiệm vàng) vay tiền nhiều lần, mỗi lần từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng. Ngày 14-10-2010, Loan đến nhà bà M. chốt nợ với số nợ hơn 3 tỉ đồng. Hai bên thống nhất là Loan cho bà M. 1 tỉ đồng, chỉ nhận hơn 2 tỉ đồng và viết giấy xóa nợ.
Ngày 15-10, Loan đến tiệm vàng của bà M. mua nữ trang rồi thanh toán 125 triệu đồng. Sáng 16-10, Loan chở mẹ đem theo cân điện tử đến tiệm vàng của bà M. để mua thêm vàng. Sau khi cân và nhận gần 465 chỉ vàng trắng, 303 chỉ vàng 18K (trị giá hơn 1,2 tỉ đồng), Loan đem ra bỏ vào cốp xe máy rồi nói em trai bà M. ra lấy tiền. Khi em bà M. ra xe thì Loan lại nói: “Tao nói chị mày rồi, lên nhà tao trả” rồi chạy xe về. Khi người nhà bà M. đến nhà để lấy tiền thì Loan không trả.
Bà M. tố ra công an. Loan bị khởi tố, truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 9-2013, TAND tỉnh Quảng Ngãi xử sơ thẩm (lần đầu) đã phạt Loan 34 tháng tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (tội nặng hơn tội VKS truy tố). Theo luật, tòa chỉ có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS truy tố nên tháng 6-2014, bản án này đã bị tòa phúc thẩm hủy. Sau đó TAND tỉnh Quảng Ngãi xử sơ thẩm (lần hai) đã phạt Loan 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Loan tại phiên tòa phúc thẩm lần hai. Ảnh: H.TÚ
Người bị hại khai bất nhất
Ngoài chuyện tòa sơ thẩm (lần đầu) kết án tội nặng hơn tội mà VKS truy tố, một điểm khác gây chú ý trong vụ án là bị cáo luôn kêu oan. Theo đó, giữa Loan với bà M. có giao dịch vay mượn nhiều năm. Do bà M. bị nhiều người đòi nợ, Loan mới lập giấy có nội dung cho bà M. 1 tỉ đồng nhằm tạo niềm tin cho các chủ nợ khác, giúp giảm áp lực cho bà M. Đây chỉ là hợp đồng giả cách bởi Loan không thể cho không bà M. cả tỉ đồng được. Bằng chứng của việc giả cách này là bà M. thế chấp cho Loan hai giấy mượn nợ (người khác vay tiền bà M.) có giá trị 900 triệu đồng. Đồng thời, sáng 16-10-2010, chính bà M. đã gọi điện thoại cho Loan bảo đến lấy vàng trừ nợ. Loan chỉ nhận gần 465 chỉ vàng trắng, còn 303 chỉ vàng 18K thì bà M. giao cho một chủ nợ khác…
Tại phiên phúc thẩm (lần hai) mới đây, bà M. trình bày sự việc giống cáo trạng. Chủ tọa hỏi: “Bị cáo có thể dễ dàng cho tiền ai không, trong 1 tỉ đồng đó có bao nhiêu tiền gốc, bao nhiêu tiền lãi”? Bà M. trả lời: “Loan không dễ cho tiền ai, 50.000 đồng cũng không cho”. Về số tiền, bà M. nói đó chỉ là tiền lãi cộng dồn mà ra.
Theo chủ tọa, chính bà M. đã nhiều lần khai trong hồ sơ là số tiền 1 tỉ đồng đó gồm 730 triệu đồng nợ gốc và 270 triệu đồng tiền lãi. “Không cho ai dù chỉ 50.000 đồng, sao bị cáo lại cho bà đến 730 triệu đồng tiền gốc và 270 triệu đồng tiền lãi?” - chủ tọa đặt vấn đề.
Về phần mình, Loan trình bày ngày 14-10-2010, Loan phải tuyên bố cho bà M. 1 tỉ đồng và giả viết giấy xóa nợ là do sợ bà M. bị bể nợ. Thời điểm đó rất đông chủ nợ đến nhà bà M., nếu Loan không làm vậy thì các chủ nợ khác có thể sẽ cùng xiết nợ, bà M. sẽ vỡ nợ và Loan khó thu hồi đủ tiền. Để chắc chắn, Loan đã yêu cầu bà M. giao tài sản làm tin và bà M. giao hai biên nhận nợ 900 triệu đồng cho bị cáo. Nếu bà M. không trả cho bị cáo 1 tỉ đồng đó thì bà M. sẽ không nhận được 900 triệu đồng đã cho người khác mượn.
Chủ tọa hỏi bà M. về hai biên nhận nợ này. Bà M. khai: “Hai giấy biên nhận nợ tôi kẹp trong cuốn sổ. Lợi dụng mọi người không để ý, bị cáo đã lén lấy mà tôi không biết”. Vị chủ tọa cho rằng lời khai của bà M. không đúng bởi lúc bà khai “để trong tủ tự nhiên mất”, lúc thì khai “không biết mất lúc nào, chỉ biết khi công an thông báo”, lúc lại nói “kẹp trong sổ mất nên đi báo công an”…
Chưa xem xét tình tiết có lợi cho bị cáo
Tranh luận, đại diện VKS khẳng định hành vi của bị cáo đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngược lại, luật sư của Loan nói Loan là người cho vay lấy lãi, nếu Loan cho bà M. tiền lãi thì còn có thể hiểu. Đằng này trong 1 tỉ đồng đó có đến 730 triệu đồng tiền gốc thì không thể xảy ra chuyện bị cáo - một người mà chính bà M. khẳng định “không cho ai 50.000 đồng” lại hào phóng cho không bà M. được.
Mặt khác, hai biên nhận nợ có giá trị với bà M. nhưng không hề có giá trị với Loan vì Loan không thể đi đòi người đã mượn tiền bà M. Việc Loan giữ hai biên nhận nợ này chính là chứng cứ chứng minh cho việc hai bên giả cách cho nhau 1 tỉ đồng. “Không ai tự nhiên đem tiền tỉ đi cho rồi lại mất công bày mưu lừa lại số tiền đó. Chỉ có người điên mới làm như vậy” - luật sư nói.
Luật sư còn chỉ ra một tình tiết rất quan trọng, chứng minh có hay không có ý thức chiếm đoạt của bị cáo nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ. Đó là chuyện Loan khai sáng 16-10-2010, bà M. đã gọi điện thoại cho Loan đến lấy vàng trừ nợ, trong khi bà M. lại nói chính Loan gọi trước nói đến mua vàng. Cạnh đó, Loan không trả một đồng nào mà vẫn đem được số vàng trị giá cả tỉ đồng ra khỏi tiệm, bỏ vào cốp xe, đợi người mẹ già leo lên ngồi sau, người của tiệm vàng còn đưa lại cái cân cho mẹ bị cáo rồi bị cáo mới chở mẹ về nhà thì có vô lý không? Từ đó luật sư đã đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để điều tra, làm rõ các tình tiết trên.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm kết luận: Về mặt tố tụng, tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng bởi sau khi đã cho bị cáo nói lời sau cùng, tòa sơ thẩm lại tiếp tục… xét hỏi bà M. và em trai. Về mặt nội dung, vụ việc có nhiều tình tiết có lợi cho bị cáo nhưng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ. Để tránh làm oan người vô tội, HĐXX đã chấp nhận đề nghị của luật sư, hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Sự cẩn trọng cần thiết! Theo tôi, quyết định hủy án của tòa phúc thẩm là cẩn trọng và cần thiết. Nếu đúng bị cáo đã xóa nợ nhưng lại vờ mua vàng để tạo niềm tin, xong lại đến mua vàng lần thứ hai chưa trả tiền rồi chiếm đoạt luôn vàng của chủ tiệm vàng thì hành vi đó có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu việc xóa nợ này chỉ là giả cách và nếu chính chủ tiệm vàng đã gọi điện thoại cho bị cáo đến cân vàng trả nợ thì hành vi của bị cáo không phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Với lý do tòa phúc thẩm đã nêu ra để hủy án, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cần phải làm rõ bởi nó quyết định việc bị cáo có oan hay không. ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM |