Sau khi hoãn xử để thẩm định chứng cứ, TAND TP.HCM vừa mở lại phiên xử phúc thẩm vụ Bùi Minh Lý bị truy tố về tội cướp tài sản và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh để điều tra, xét xử lại.
Bị người dân “bắt nguội”
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, Lý sinh năm 1989, lúc bị bắt đang là bí thư Xã đoàn Đông Thạnh, Cần Giuộc (Long An). Do vợ Lý làm việc ở TP.HCM nên Chủ nhật mỗi tuần Lý chạy xe từ Long An lên đón vợ về. Lần nào đi đón vợ Lý cũng đi từ Nguyễn Hữu Cảnh quẹo qua đường D2, đến đường Ung Văn Khiêm rồi đi tắt qua một con hẻm để đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, qua Thanh Đa.
Hồ sơ vụ án thể hiện 9 giờ tối 19-1-2014, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm đãi tiệc tất niên tại tổ dân phố ở phường 25, quận Bình Thạnh (bàn tiệc đặt hai bên đường hẻm, chừa lối đi nhỏ ở giữa). Trong lúc chị Tâm bưng thức ăn ra bàn thì bị một nam thanh niên chạy xe máy áp sát giật sợi dây chuyền chị đeo trên cổ. Chị Tâm chụp lại dây chuyền không được bèn tri hô “Cướp, cướp, cướp! Nó giật dây chuyền”.
Tên cướp rồ ga bỏ chạy. Đang ngồi trong bữa tiệc, chồng chị Tâm và một người bạn lấy xe máy đuổi theo. Lúc hai người chạy đến chùa Bảo Minh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì thấy một thanh niên (là Lý) đang chạy xe phía trước. Cả hai ép xe Lý rồi xông vào đánh. Bị đánh tới tấp, Lý lấy cây roi điện mang theo đánh trả thì bị chồng chị Tâm giật lại đánh vào đầu làm chiếc roi điện bị gãy. Sau đó, hai người này khống chế đưa Lý về nhà rồi gọi tổ trưởng dân phố và công an đến làm việc.
Bị cáo Lý trong giờ tòa phúc thẩm nghị án. Ảnh: N.THÂN
Lời khai của chị Tâm cũng thể hiện trong lúc chồng chị đuổi bắt cướp thì phát hiện sợi dây chuyền bị đứt rơi xuống đúng nơi mình bị giật. Lúc bị giật, chị mặt đối mặt với tên cướp, nhìn rất rõ mặt tên cướp nên xác định Lý đúng là thủ phạm. Dù đang vui vẻ cụng bia trong bữa tiệc, khi nghe tiếng tri hô, chồng chị Tâm và những người làm chứng trong vụ án cũng nhìn rất rõ tên cướp (mà họ cho là Lý).
Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh nhận định dù Lý là bí thư đoàn, có nhiều giấy khen nhưng không chí thú làm ăn lương thiện nên dù có tiền hay làm chức vụ gì đi nữa, khi gặp tài sản của người khác cũng sẽ nảy sinh lòng tham mà cướp giật. Một điều khác, do lần đầu tiên đi cướp, không rành đường ở TP nên khi gặp các khúc cua, Lý không thể tăng ga được và bị bắt là điều hiển nhiên. Từ đó, tòa phạt Lý ba năm tù. Lý kháng cáo kêu oan.
Chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan
Tại phiên phúc thẩm, người bị hại và các nhân chứng vắng mặt. Lý vẫn khẳng định mình không phạm tội.
Theo đại diện VKS, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo có tội là chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan. Lời khai của người bị hại và người làm chứng có rất nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở chứng minh Lý phạm tội.
Đại diện VKS phân tích: Tại biên bản đối chất, Lý khai bị một người đàn ông áp sát vào và đánh nên mới lấy roi điện trong túi áo ra tự vệ. Chiếc khẩu trang màu đỏ mua trước ngày xảy ra vụ án một tuần, do bị đánh chảy máu mũi nên Lý đã dùng để lau. Khi bị bắt, Lý vẫn đội chiếc nón bảo hiểm do Huyện đoàn trao tặng màu trắng, có đường viền màu xanh. Trong các bút lục, chồng chị Tâm khai đang ngồi ở bữa tiệc nghe vợ bị giật dây chuyền nên đuổi theo. Đến khúc cua, cách Lý khoảng 20-25 m thì bị khuất tầm nhìn, thấy Lý rút vật gì đó ra, anh tưởng là dao nên mới đánh, sau đó mới yêu cầu Lý quay xe chở mình về. Khi đưa Lý về nhà thì thấy Lý có đội nón bảo hiểm, màu gì không rõ. Chị Tâm cũng khai nhìn rất rõ mặt tên cướp lúc bị giật dây chuyền nên nhận ra Lý ngay khi anh Nghĩa đưa về. Chị cũng không nhớ Lý đội nón bảo hiểm màu gì. Vậy chiếc khẩu trang và chiếc nón bảo hiểm ở đâu? Tại sao CQĐT khi bắt Lý lại không xác minh?
Tại biên bản đối chất, chồng chị Tâm và các nhân chứng khai khi đuổi tên cướp bị khuất tầm nhìn nơi khúc cua nhưng tại biên bản thực nghiệm điều tra lại khai nhìn thấy liên tục. Như thế đã có sự mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ. Trong ảnh thực nghiệm điều tra tại nơi Lý bị bắt có một con hẻm. VKS đi thực nghiệm thì thấy trước chùa Bảo Minh có một con hẻm nhưng nó lại không xuất hiện trong bản vẽ mà CQĐT cung cấp. Theo đại diện VKS, có thể Lý đi ra bằng con hẻm này hay kẻ cướp giật đã chạy thoát qua con hẻm này. Tại nơi xảy ra vụ cướp có ánh sáng bằng đèn màu vàng nhưng nhiều cây cối nên nhìn rất tối, chỉ nhìn thấy khoảng 5%-10%. Thời điểm xảy ra sự việc là lúc 21 giờ thì ánh sáng vàng sẽ làm giảm đi sắc của vật thể, chưa nói đến chuyện ánh sáng thực tế rất thấp. Như vậy, không thể cho rằng người bị hại nhìn thấy rất rõ mặt của tên cướp.
Biên bản thực nghiệm điều tra ghi chỉ có chị Tâm thấy mặt tên cướp nhưng nhiều nhân chứng lại khai trong hồ sơ là cũng thấy mặt tên cướp. Như thế là mâu thuẫn. Một điều nữa, việc bắt Lý còng tay đứng trước mặt chị Tâm để thực nghiệm hiện trường rồi cho rằng người bị hại nhìn rõ mặt là không đúng. Đáng lẽ người bị hại nhìn thấy tên cướp vào ban đêm thì phải tạo một hiện trường cho người nào đó chạy xe vỗ chị Tâm một cái, giật sợi dây chuyền rồi mới bỏ chạy. Sau đó, dẫn vài người nào đó xem chị Tâm có nhận ra hay không thì mới được cho rằng là nhìn thấy mặt đối mặt.
Tại sơ đồ bản vẽ, đường đi khi đối chất, CQĐT chưa làm rõ là chồng chị Tâm bảo Lý quay xe chở mình về nơi xảy ra vụ cướp thì Lý tự chạy xe đi hay là chồng chị Tâm là người chỉ đường bắt Lý chạy theo. Trong hồ sơ, bản án sơ thẩm thể hiện có triệu tập những người làm chứng, biên bản phiên tòa có tên những người này và có thẩm vấn một số người nhưng không có lời trình bày nào của họ. Như vậy là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Đại diện VKS cũng đặt ra câu hỏi: Sợi dây chuyền của chị Tâm là vật chứng của vụ án, tại sao cấp sơ thẩm không đưa đi giám định?
Đồng tình với các phân tích của đại diện VKS, tòa phúc thẩm cũng cho rằng với các chứng cứ tòa sơ thẩm đưa ra để tuyên Lý có tội là chưa khách quan, mang tính quy chụp, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.