Theo lý giải của huyện Bình Chánh, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến hồ sơ trễ hạn là bất cập về thẩm quyền ký hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Huyện Bình Chánh cho biết trong tháng 6-2015, tỉ lệ hồ sơ trễ hạn tại chi nhánh văn phòng đăng ký chiếm khoảng 0,3%. Tuy nhiên, kể từ tháng 7-2015, thời điểm áp dụng mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp thì lượng hồ sơ trễ hạn tăng vọt.
Huyện Bình Chánh báo cáo trong hơn một năm, tổng số hồ sơ cấp giấy chứng nhận huyện phải giải quyết là hơn 15.500. Trong đó, địa phương này đã giải quyết hơn 13.600 hồ sơ. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong số này có hơn 7.400 hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết, phải trả lại để yêu cầu người dân bổ sung (chiếm tỉ lệ hơn 47%).
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng đây là con số cao nhất trong tất cả quận, huyện.
“Đề nghị huyện rà soát lại và nghiên cứu cách xem xét yêu cầu người dân bổ sung hồ sơ thế nào chứ người dân phải chờ đợi một thời gian dài để đến nhận kết quả. Khi đến thì cơ quan nhà nước nói chưa đầy đủ hồ sơ phải bổ sung, việc này sẽ khiến người dân bức xúc hơn” - bà Tuyết nói.
Ngoài ra, tại buổi giám sát, huyện Bình Chánh cũng nêu thêm một bất cập khi người dân xin ghi nợ nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận. Huyện Bình Chánh cho rằng theo quy định thì người dân sau khi ghi nợ mà thanh toán sớm trước hạn thì sẽ được thưởng 2% trên tổng số nợ.
“Nhiều người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận đã ghi nợ thay vì đóng tiền. Một thời gian sau thì họ trả nợ và được hưởng 2% theo quy định. Trong khi đó, những người nộp ngay thì lại không được hỗ trợ, điều này là không công bằng và không khuyến khích được người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước” - bà Nguyễn Thị Thảo, Phó phòng TN&MT, nói.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết sẽ ghi nhận những thực tế tại Bình Chánh cũng như các địa phương khác và tới đây sẽ có buổi làm việc với UBND TP về các vấn đề này.