Hy Lạp lại cắt giảm chi tiêu

Chiều 21-9 theo giờ địa phương, sau phiên họp dài 4 tiếng của Hội đồng Bộ trưởng, chính phủ Hy Lạp đã thông báo kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới trong hai năm 2011 và 2012.

Mục đích nhằm giảm nợ công để được nhận 8 tỉ euro trong gói giải cứu 110 tỉ euro của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nếu không có khoản này, Hy Lạp có thể phá sản vào giữa tháng 10.

Theo hãng tin AFP, kế hoạch cắt giảm mới trị giá 7,5 tỉ euro, bao gồm các nội dung:

- Chuyển 30.000 công chức vào biên chế dự trữ.

- Giảm 20% đối với khoản trợ cấp trên 1.200 euro/tháng của cựu công chức.

- Giảm 40% đối với mức từ 1.000 euro/tháng trở lên đối với tiền hưu của người về hưu trước 55 tuổi.

- Tăng thuế đối với chất đốt để sưởi.

- Giảm ngưỡng thu nhập hằng năm chịu thuế từ 8.000 euro xuống 5.000 euro.

- Kéo dài đến năm 2014 thuế mới ban hành về bất động sản (đúng ra hết hạn vào năm tới).

Hy Lạp lại cắt giảm chi tiêu ảnh 1

Ngày 17-9, cảnh sát dùng bình cứu hỏa dập lửa sau khi một chủ doanh nghiệp nhỏ 56 tuổi tự thiêu trước ngân hàng ở TP Thessaloniki (Hy Lạp) do không có tiền trả nợ vay. Đây là lần tự thiêu thứ ba của ông. Ảnh: AP

Tại Mỹ, Tổng thống Obama cho rằng nếu Hy Lạp phá sản, hiệu ứng domino sẽ lan đến Mỹ giống như khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng theo chiều hướng ngược lại. (năm 2008, Ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ phá sản khiến thị trường chứng khoán châu Âu sụp đổ.)

Báo ABC News (Mỹ) nhận định hệ quả từ khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp như sau:

- Nếu đạt được thỏa thuận giải cứu Hy Lạp, các nước khu vực đồng euro sẽ không còn nhiều tiền để mua hàng hóa Mỹ, từ đó người lao động Mỹ sẽ thất nghiệp.

- Nếu Hy Lạp vỡ nợ, các nhà đầu tư mua trái phiếu của chính phủ Hy Lạp sẽ không còn nhiều tiền để chi tiêu. Như vậy kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng.

- Nếu Hy Lạp vỡ nợ kéo theo làn sóng vỡ nợ ở một số nước châu Âu, hàng loạt ngân hàng ở châu Âu sẽ vỡ nợ và kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vì thương mại hai chiều Mỹ - châu Âu rất lớn.

Trả lời báo Christian Science Monitor (Mỹ), Giám đốc chiến lược đầu tư Sam Stovall của công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s (Mỹ) nhận định kinh tế Hy Lạp ảnh hưởng đến Mỹ bằng con đường vòng.

Đường vòng đó là: Hy Lạp nợ các ngân hàng ở châu Âu, ví dụ ngân hàng Bồ Đào Nha —  ngân hàng Tây Ban Nha là chủ nợ của ngân hàng Bồ Đào Nha —  ngân hàng Đức lại là chủ nợ của ngân hàng Tây Ban Nha —  nhiều ngân hàng Mỹ sở hữu trái phiếu do các ngân hàng Đức và Pháp phát hành.

Hiệu ứng domino từ Hy Lạp là ở chỗ đó!

Ngày 21-9, công ty thẩm định tài chính Moody’s thông báo giảm chỉ số hạng tín dụng đối với ba ngân hàng Mỹ là Bank of America, Wells Fargo và Citigroup. Lý do: Chính phủ Mỹ có thể sẽ không cứu nếu các ngân hàng này bị phá sản. Bị ảnh hưởng nặng nhất là Bank of America, ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ. Bank of America bị thiệt hại nhiều tỉ USD do nợ xấu trong vay mua nhà.

LÊ LINH - DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm