“Tôi xin chúc mừng Việt Nam và Liên minh Châu Âu nhân dấu mốc quan trọng này. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho thấy có thể cân bằng giữa các hiệp định thương mại tự do và phát triển bền vững thông qua cam kết chung hướng đến tôn trọng và thực thi các nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động, nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người”. Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, gửi lời chúc mừng như trên.
ILO phân tích, Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động yêu cầu tất cả 187 quốc gia thành viên của ILO tôn trọng và thúc đẩy tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Những quyền phổ quát này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO, theo đó Việt Nam đã phê chuẩn 6/8 công ước. Mới đây, trong tháng 6-2019, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu với mức độ đồng thuận cao nhất trí phê chuẩn Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Chính phủ cũng có kế hoạch từng bước hướng tới phê chuẩn hai công ước cơ bản còn lại – Công ước 105 về lao động cưỡng bức và Công ước 87 về tự do hiệp hội – lần lượt vào năm 2020 và 2023.
Người đứng đầu tổ chức ILO tại Việt Nam, đánh giá cao việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 và tiến trình sửa đổi Bộ Luật Lao động đang diễn ra theo hướng phù hợp hơn với các công ước cơ bản của ILO. “Tôi thực sự vui mừng được chứng kiến những bước tiến quan trọng của Việt Nam nhằm đáp ứng những thách thức của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng, cũng như để thực hiện các cam kết quốc tế", ông chia sẻ.
TS Lee tái khẳng định ILO cam kết hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và người lao động thực hiện cải cách pháp luật lao động và quan hệ lao động.
“Tôi tin rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ này vì tương lai của chính mình – một tương lại được xây dựng dựa trên năng suất lao động cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, dựa trên sự chia sẻ công bằng các thành quả kinh tế, dựa trên bình đẳng, ghi nhận tiếng nói của người lao động và người sử dụng lao động, và ổn định chính trị – xã hội", ông Chang-Hee Lee nói.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế. |