Chiến tranh bùng nổ trên biển Đông và biển Hoa Đông chắc chắn đe dọa nghiêm trọng đến Indonesia, vậy nên Indonesia không thể giữ thái độ thụ động trước vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Báo Jakarta Globe của Indonesia ngày 3-7 đã đăng bài viết của Giám đốc Viện Quản lý quốc gia (Indonesia) Pitan Daslani với nhận định như trên.
Chuyên gia Pitan Daslani phân tích xung đột bùng nổ toàn diện ở biển Đông sẽ làm tê liệt hoạt động xuất-nhập khẩu qua đường biển của Indonesia, đồng thời sẽ tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác.
Xe tăng lính thủy đánh bộ Indonesia tập trận trên bãi biển Latgab Banongan ở tỉnh Đông Java (Indonesia) hôm 4-6. Ảnh: ANTARA
Vậy mà trong tranh luận về chính sách ngoại giao và quốc phòng hôm 22-6, ứng cử viên tổng thống Joko Widodo lại cho rằng Indonesia không phải là bên tranh chấp ở biển Đông, vì vậy không cần thiết đóng vai trò gì để dàn xếp tranh chấp.
Tuyên bố của ứng cử viên Joko Widodo đã đi ngược hiến pháp Indonesia với lời mở đầu khẳng định Indonesia cam kết chủ động tham gia thực thi trật tự thế giới dựa trên tự do, công lý xã hội và hòa bình lâu dài.
Chuyên gia Pitan Daslani nhận định lập trường hướng nội của Indonesia không chỉ làm suy yếu sức mạnh của ASEAN mà còn khiến Indonesia mất đi lợi ích từ công việc điều phối cân bằng quyền lực khu vực.
Trước đó, báo Jakarta Post của Indonesia đã đăng bài viết của nhà phân tích chính trị Pandu Rachmatika ở Indonesia (từng theo học ĐH Chulalongkorn của Thái Lan và ĐH Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc) nhận định Indonesia là ứng viên duy nhất phù hợp với vai trò điều phối hòa bình khu vực.
Tác giả ghi nhận bạo lực bắt đầu bộc lộ triệu chứng trên biển Đông và biển Hoa Đông. Trong bối cảnh đó, các nước đang cân nhắc chọn nhóm sức mạnh nào để bảo vệ quyền lợi, vì thế trong khu vực không có sức mạnh trung gian hoạt động như một cơ chế điều phối hòa bình. Ông phân tích trên biển Đông, ngoại trừ các nước và vùng lãnh thổ có tranh chấp (Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam), Nhật và Hàn Quốc tuy hiện diện lớn trong khu vực nhưng không phù hợp với vai trò điều phối hòa bình vì là đồng minh của Mỹ. Hong Kong và Singapore lại nhỏ và quyền lợi biển không nhiều trong khi Thái Lan bận bịu giải quyết nội bộ sau đảo chính.
Do đó Indonesia có thể là ứng viên duy nhất phù hợp với vai trò điều phối hòa bình vì Indonesia có quyền lợi trực tiếp trong nỗ lực ngăn chặn tranh chấp ở biển Đông leo thang.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã từng khẳng định Indonesia chắc chắn sẽ không chấp nhận Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Vì vậy, nếu Trung Quốc làm điều này, dù muốn dù không Indonesia cũng sẽ phải can dự.
Indonesia sẽ hành động thế nào để hoàn thành nhiệm vụ là nhà điều phối hòa bình? Theo chuyên gia Mỹ Brad Nelson, trước tiên Indonesia phải có tiếng nói vững chắc trong ASEAN nhằm giúp ASEAN thống nhất hơn. Hiện thời trong ASEAN, thái độ của Indonesia chủ yếu vẫn là thụ động và tránh né bất đồng. Nếu thực sự muốn dẫn dắt ASEAN, Indonesia cần năng động đưa ra nhiều hành động và sáng kiến.
Chuyên gia Jorg Friedrichs ở ĐH Oxford (Anh) nhận xét một khi ASEAN đã thống nhất hơn, ASEAN và Indonesia cần chủ động gắn kết với các thể chế khu vực như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, ASEAN+3, cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị Trung Quốc-ASEAN.
Ngày 9-7, Indonesia tổ chức bầu cử tổng thống. Nhà phân tích Pandu Rachmatika hy vọng tân tổng thống sẽ nhận ra tầm quan trọng của Indonesia và ASEAN trong công cuộc gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và cần giải quyết thách thức đầu tiên là đưa Indonesia trở thành nhân tố tích cực cho hòa bình.
ĐĂNG KHOA - THẠCH ANH