Mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam công bố báo cáo chiến lược thị trường, trong đó có một số phân tích về bối cảnh vĩ mô hỗ trợ cho triển vọng của ngành bán lẻ Việt Nam.
Cụ thể, theo tính toán của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tổng mức bán lẻ tháng 6-2024 ước đạt 522.5 nghìn tỷ, tăng 2,1% so với tháng liền trước và tăng đến 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Yuanta Việt Nam, nguyên nhân quan trọng đằng sau sự phục hồi này chính là ngành bán lẻ đang thích nghi dần với môi trường hiện tại và các chiến lược bán hàng mới, sản phẩm mới, các chương trình khuyến mãi kích cầu tiếp tục cho thấy hiệu quả.
Ngành bán lẻ vẫn đang hồi phục và sẽ sớm trở lại tốc độ tăng trưởng nhanh như trước đây, tuy nhiên sẽ cần thêm thời gian để nền kinh tế hồi phục cũng như số việc làm và sức mua người tiêu dùng thật sự quay trở lại.
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, sau khi phục hồi tốt nửa đầu năm 2024, trong nửa sau năm 2024, có nhiều yếu tố sẽ giúp ngành bán lẻ phục hồi mạnh hơn nữa, trong đó ngành hàng điện thoại di động.
Chuyên gia của KIS Việt Nam cho rằng, việc ra mắt iPhone 16 vào tháng 10 sẽ thúc đẩy doanh thu điện thoại di động, bởi vì người tiêu dùng đã trì hoãn việc thay mới điện thoại trong năm 2023 dẫn đến kết quả kinh doanh khiêm tốn của iPhone 15.
Trong đó, công việc kinh doanh của Công ty Cổ phần Thế giới Di động (MWG) và Công ty Cổ phần Bán lẻ FPT (FRT) được coi như 2 doanh nghiệp thuộc nhóm được kỳ vọng phục hồi mạnh nhất. Ngoài ra có thể kể đến một số chuỗi khác như Nguyễn Kim khi nhu cầu điều hòa tăng cao trong thời tiết nắng nóng.
Ngoài ra, thị trường vàng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận khi giá vàng tăng vượt đỉnh lịch sử. Từ đó, kích thích nhu cầu giao dịch vàng 24k. Ở chiều hướng ngược lại, doanh thu trang sức bán lẻ vẫn ở mức yếu trong khi đó giá vàng rất mạnh, điều này cho thấy tiêu dùng vẫn chưa được phục hồi.
Với việc kỳ vọng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ mạnh hơn trong nửa sau năm 2024, KIS Việt Nam cho rằng nhu cầu về trang sức bán lẻ sẽ cải thiện hơn so với nửa đầu năm 2024