Israel khẩn trương sơ tán dân để đổ bộ Rafah - thành trì cuối cùng của Hamas

(PLO)- Những động thái gần đây cho thấy Israel đang chuẩn bị cho kế hoạch đổ bộ Rafah - thành trì cuối cùng của Hamas, bất chấp áp lực từ nhiều bên.

Các quan chức Israel cho biết rằng Bộ Quốc phòng nước này đã chuẩn bị khoảng 40.000 lều, mỗi lều có sức chứa từ 10-12 người, trong khi nội các chiến tranh của Israel dự kiến họp trong hai tuần tới để xem xét kế hoạch sơ tán người dân khỏi TP Rafah (cực nam Gaza).

Ngày 24-4, lực lượng Israel cũng cho biết đã huy động 2 lữ đoàn để chiến đấu trên bộ ở Dải Gaza, nhưng không nêu rõ địa điểm.

Theo tờ The Wall Street Journal, những dấu hiệu này cho thấy Israel vẫn giữ kế hoạch đổ bộ vào Rafah – thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza, sau nhiều tuần trì hoãn.

Áp lực quốc tế vẫn chưa giảm

Theo các quan chức Israel, nước này đã và đang phải đối mặt áp lực quốc tế ngày càng tăng nhằm kết thúc cuộc xung đột tại Gaza.

Người dân ở TP Rafah (nam Gaza). Ảnh: AFP

Phía Mỹ tiếp tục đề nghị Israel xem xét lại kế hoạch đổ bộ vào Rafah, do lo ngại thương vong cho dân thường.

“Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ ràng về điều này: Chúng tôi không thể hỗ trợ một chiến dịch quân sự lớn ở Rafah" – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 19-4.

Theo ông Blinken, một động thái như vậy “sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp” với người dân, trong khi Israel có thể đạt được các mục tiêu chiến tranh bằng các biện pháp khác.

Một quan chức an ninh Israel cho biết Mỹ và Israel đã gặp nhau định kỳ để thảo luận về kế hoạch sơ tán dân thường trước cuộc đổ bộ vào Rafah. Tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp Bộ trưởng Chiến lược Israel – ông Ron Dermer.

Sau cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết: “Hai bên đã nhất trí về mục tiêu chung là chứng kiến Hamas bị đánh bại ở Rafah. Phía Mỹ bày tỏ mối quan ngại với các hành động khác nhau ở Rafah. Trong khi đó, phía Israel đã đồng ý xem xét những mối quan ngại này và sẽ tiếp tục thảo luận với các chuyên gia”.

Theo The Wall Street Journal, phần lớn hàng viện trợ được đưa vào Dải Gaza thông qua 2 cửa khẩu gần Rafah. Đó cũng là nơi các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) và các nhóm viện trợ khác đang đặt văn phòng, cùng với hầu hết các bệnh viện và phòng khám còn hoạt động.

Do đó, việc TP này bị tấn công sẽ gây gián đoạn trong viện trợ, đặc biệt lương thực. LHQ và các cơ quan viện trợ quốc tế khác đã cảnh báo rằng Gaza có nguy cơ xảy ra nạn đói nếu xung đột tiếp diễn.

Lều tạm ở Rafah. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Israel sẽ không thể tiêu diệt 4 tiểu đoàn còn lại của Hamas nếu không đổ bộ Rafah. Dù vậy, mục tiêu chiến lược dài hạn của Israel có thể là giành quyền kiểm soát hành lang Philadelphi – dải đất hẹp dài gần 13 km trải dài dọc biên giới giữa Gaza và Ai Cập.

Phía Israel từ lâu đã tuyên bố rằng các đường hầm buôn lậu bên dưới khu vực hành lang này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vũ khí và các trang thiết bị khác cho các nhóm vũ trang ở Gaza, bao gồm Hamas.

“Điều quan trọng là thiết lập một biên giới thực sự nhằm cắt đứt các đường tiếp tế của Hamas từ Ai Cập đến Gaza” - theo ông Ofer Shelah, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel.

Israel tiếp tục kế hoạch đổ bộ Rafah?

Các quan chức Ai Cập cho biết Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập đã dựng một số lều ở TP Khan Younis (nam Gaza) và đang nỗ lực dựng thêm nhiều lều trong vài tuần tới. Các bức ảnh vệ tinh từ các công ty Maxar Technologies và Planet Labs (hai công ty cung cấp dữ liệu vệ tinh của Mỹ) cho thấy những dãy lều trắng mới được dựng bên ngoài TP Khan Younis xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 23-4.

Các quan chức an ninh Israel từ chối bình luận về việc liệu các khu lều trại được dựng gần đây gần Khan Younis có liên quan kế hoạch đổ bộ TP Rafah hay không. Tuy nhiên, các quan chức này cho biết mọi hoạt động của các cơ quan nhân đạo ở Gaza đều được phối hợp với Israel.

Ông Jacob Nagel – cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel cho biết: “Chắc chắn đó là một phần trong quá trình chuẩn bị cho [cuộc đổ bộ vào] Rafah”.

Theo các quan chức Israel, nước này đã phát tín hiệu từ tháng 2 rằng họ muốn gửi quân chiến đấu với Hamas ở Rafah – nơi có hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn. Ngay sau đó, phía Mỹ đã cảnh báo rằng Israel nên cân nhắc kế hoạch này vì có thể gây thương vong lớn cho dân thường

Trước tình hình này, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công hạn chế vào Rafah từ trên không. Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, giờ đây, Israel đang tiếp tục theo đuổi kế hoạch đổ bộ Rafah, đặc biệt khi các cuộc đàm phán ngừng bắn và thả con tin với Hamas không có nhiều bước tiến.

Ngoài ra, các quan chức Israel đã cam kết cố gắng giảm thiểu thương vong cho dân thường tại Rafah bằng cách sơ tán người dân đến các khu vực nhân đạo có lương thực, nước uống, nơi trú ẩn và dịch vụ y tế. Israel cũng dự kiến hướng dẫn người dân bằng tờ rơi và điện thoại về nơi trú ẩn tạm thời, như những lần sơ tán trước đây.

Binh sĩ Israel tại Gaza hôm 16-4. Ảnh: AFP

Các quan chức Israel đã chia sẻ kế hoạch đổ bộ Rafah với một số nước Ả Rập. Theo các quan chức Ai Cập, khu vực nhân đạo lớn nhất ở Gaza dự kiến kéo dài từ bãi biển Al Mawasi ở TP Rafah tới Deir Al-Balah ở miền trung Gaza. Israel cũng đang xem xét khả năng cho phép lực lượng an ninh do Chính quyền Palestine hậu thuẫn tiến vào Gaza, để giúp quản lý an ninh gần biên giới phía nam của Gaza với Ai Cập.

Các quan chức Ai Cập cũng cho hay Israel có kế hoạch điều quân dần tới TP Rafah, nhắm vào các khu vực mà Israel tin rằng các lãnh đạo và chiến binh Hamas đang ẩn náu. Israel cho biết cuộc giao tranh tại TP cực nam Gaza dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới