James Comey ‘tiếp đạn’ cho Donald Trump

Tổng thống Obama đã lên tiếng chỉ trích Giám đốc FBI James Comey đưa ra thông báo mở cuộc điều tra mới về việc bà Hillary Clinton sử dụng hộp thư điện tử cá nhân lúc làm ngoại trưởng (2009-2013).

Mới nghi đã công bố điều tra

Trong tuyên bố ngày 2-11 (giờ địa phương), đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama nhận xét về thông báo mở cuộc điều tra mới của ông James Comey nhưng không nhắc trực tiếp tên James Comey.

Trò chuyện với báo NowThisNews, ông Obama nói: “Có một chuẩn mực trong khi điều tra là chúng ta không tập trung những lời bóng gió, những thông tin không đầy đủ hay thông tin rò rỉ”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta làm việc trên cơ sở những quyết định cụ thể. Khi đã xem xét tường tận lần chót, kết luận của FBI, kết luận của Bộ Tư pháp, kết luận của cuộc điều tra đã được nêu tại Quốc hội xác định bà ấy (bà Clinton) có vài sai sót nhưng không có gì để truy tố”.

Ông nhấn mạnh ông không muốn tạo cảm giác ông can thiệp vào cơ chế độc lập của FBI nhưng ông nhắc lại kết luận điều tra đầu tiên của FBI hồi tháng 7 đã xác định bà Clinton không có sai phạm mà chỉ là sai sót không đáng kể.

Hồi đầu tháng 7, chính ông James Comey đã tuyên bố khép lại cuộc điều tra về hành vi sử dụng hộp thư điện tử cá nhân của bà Clinton.

Đến ngày 28-10 mới đây, ông lại gửi thư cho Quốc hội thông báo FBI mở cuộc điều tra mới đối với bà Clinton.

Ngày 28-10, Giám đốc FBI James Comey thông báo FBI phát hiện thư điện tử phù hợp để điều tra  bà Clinton. Biếm họa của DARYL CAGLE

Điều mâu thuẫn là thư của ông khẳng định chưa rõ cuộc điều tra này có ý nghĩa gì hay không vì FBI chưa biết nội dung các thư điện tử mới phát hiện nói gì.

Ngày 1-11, FBI tiếp tục đưa lên Twitter kết luận điều tra về sự kiện cuối nhiệm kỳ hồi tháng 1-2001, Tổng thống Bill Clinton đã ân xá cho nhiều người, trong đó có nhà tài phiệt Marc Rich.

FBI biện bạch hồ sơ tự động được đưa lên mạng sau khi hết thời gian bảo mật, tuy nhiên ai cũng hiểu cựu Tổng thống Bill Clinton chính là phu quân của bà Clinton.

Đài truyền hình CNN còn khẳng định chính James Comey đã tham gia điều tra vụ nhà doanh nghiệp Marc Rich trốn thuế.

Nhiều nghi vấn về James Comey

Đảng Dân chủ nghi ngờ Giám đốc FBI James Comey đang có những động thái làm lợi cho ứng cử viên Donald Trump.

Kênh truyền hình CNBC và báo Huffington Post tiết lộ hồi đầu tháng 10 chính ông James Comey đã phản đối FBI công bố kết luận điều tra về nghi vấn Nga âm mưu tác động đến cuộc bầu cử Mỹ để ủng hộ Donald Trump.

Lúc đó James Comey cho rằng “có một cường quốc nước ngoài cố phá hoại ngầm cuộc bầu cử Mỹ và ông tin đó là đúng nhưng đề nghị không nên công bố trước cuộc bầu cử”.

Khi các nhân viên FBI tìm thấy các thư điện tử mới có thể liên quan đến bà Clinton, có hai giải pháp đối với James Comey. Công bố hay giữ im lặng?

Khi ông viết thư cho Quốc hội để công bố cuộc điều tra, ông bị chỉ trích là phá đám bà Clinton và ủng hộ ông Trump tố bà Clinton là nhũng lạm.

Nếu ông không công bố, ông có thể bị đảng Cộng hòa nghi ngờ ông bao che cho bà Clinton và khẳng định lời của Trump nói rằng cả hệ thống chính quyền đều gian lận.

Vấn đề khó hiểu ở chỗ, như báo New York Times phân tích, đó là FBI đã từng bỏ qua, không công bố hai vụ lớn với lý do để khỏi ảnh hưởng đến bầu cử.

Vụ đầu liên quan đến Paul Manafort, giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, có hành vi tham nhũng vì nhận tiền từ đảng thân Nga ở Ukraine. Vụ thứ hai về mối quan hệ bí mật giữa bà Clinton với các nhà tài trợ cho quỹ tranh cử.

Báo The Atlantic ghi nhận ông James Comey được bổ nhiệm làm giám đốc FBI năm 2013 với nhiệm kỳ 10 năm, vậy trừ phi từ chức, bằng không ông phải chung sống với người được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng James Comey đang chơi chiến lược khéo léo giữ thế quân bình giữa hai cực của bàn cờ chính trị Mỹ.

Chẳng khác gì Edgar Hoover!

Trang Politico ghi nhận Giám đốc FBI James Comey là người ủng hộ đảng Cộng hòa trong thời gian dài và đến tháng 7-2016 mới tuyên bố không ủng hộ đảng Cộng hòa nữa.

Ông giải thích với các đồng nghiệp: “Thông thường chúng tôi không thông báo cho Quốc hội cuộc điều tra đang thực hiện. Nhưng trong trường hợp này, tôi cảm thấy bị bắt buộc phải công bố cuộc điều tra mới vì tôi đã nhiều lần tuyên thệ rằng cuộc điều tra của chúng tôi đã kết thúc”.

Giải thích này rõ ràng không làm vừa lòng ai. Nhiều bài bình luận đã kêu gọi ông James Comey từ chức. Nhiều nghị sĩ tuyên bố không còn tin tưởng giám đốc FBI. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và gần 100 cựu nhân viên Bộ Tư pháp đã viết thư khẳng định hành động của James Comey đã vi phạm nguyên tắc của Bộ Tư pháp quy định phải thể hiện kiềm chế trong thời điểm gần bầu cử.

Nhiều cây bút bình luận và nhà sử học đã so sánh James Comey với J. Edgar Hoover, Giám đốc FBI từ năm 1924 đến 1972. Trên báo New York Times, tác giả Tim Weiner viết: Ở đâu đó trên trời, J. Edgar Hoover đang mỉm cười vì “sử dụng thông tin mật để hủy hoại các nhân vật của công chúng là một trong những trò ưa thích của ông ấy”.

Từ trước đến nay, Edgar Hoover là giám đốc FBI duy nhất bị cáo buộc âm mưu tác động đến bầu cử tổng thống. Thẩm phán Andrew Napolitano cũng đã so sánh James Comey với Edgar Hoover trên Fox News và giải thích hai người này đều muốn đưa FBI vào giữa tiến trình chính trị. Ông cho rằng đúng ra khi tìm thấy thư điện tử mới thì nhiệm vụ duy nhất của FBI là điều tra chứ không cần phải công bố gì hết.

Tiết lộ của Comey rằng nhiều thư điện tử mới được tìm thấy (các thư này có thể không liên quan gì đến bà Hillary Clinton) đã chính trị hóa FBI hơn bất kỳ sáng kiến nào do một giám đốc FBI đưa ra từ sau khi Hoover qua đời năm 1972.

Nhà báo CHARLES KAISER  viết trên CNN

________________________________________

Câu hỏi đặt ra là tại sao FBI chưa biết rõ nội dung thư điện tử mà đã công bố mở cuộc điều tra trong lúc chỉ còn 11 ngày nữa đến ngày bầu cử tổng thống?

Báo NEW YORK TIMES

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới