Mỹ cần tăng cường trao đổi với các đồng minh để bảo vệ các giá trị chung.
Tổng thống Obama phát biểu như trên hôm 12-11 (giờ địa phương) với báo Kathimerini (Hy Lạp) trước chuyến công du châu Âu cuối cùng của ông đến Hy Lạp và Đức.
Ông Obama khẳng định châu Âu là đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ và lợi ích kinh tế của Mỹ phải gắn liền với một châu Âu ổn định và thịnh vượng.
Phát biểu nêu trên phản ánh thái độ lo ngại của Tổng thống Obama trước xu hướng biệt lập chủ nghĩa đã được Tổng thống đắc cử Donald Trump hô hào trong tranh cử.
NATO cũng lo ngại không kém. Báo Der Spiegel (Đức) tiết lộ các nhà chiến lược của NATO đang bí mật chuẩn bị các tình huống xử lý nếu ông Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ rút khỏi châu Âu.
Báo dẫn nguồn tin từ một sĩ quan Đức nhận xét: “Đây là lần đầu tiên việc Mỹ rời khỏi NATO đã trở thành mối đe dọa”. Lý do: Nếu Mỹ rời khỏi NATO, tổ chức này có nguy cơ tan rã.
NATO lo ngại với tuyên bố của ông Trump. Biếm họa của ALEXANDR ZUDIN (Nga).
Trong tranh cử, ông Trump đã tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi NATO nếu các đồng minh trong NATO không đóng góp nhiều hơn và tôn trọng cam kết với Mỹ.
Ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Washington và nhà lãnh đạo thuộc Hội nghị An ninh Munich, nhận xét: “Chúng ta đang đối diện với thời điểm bất định chưa từng thấy trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.
Chưa biết tương lai như thế nào, NATO đã thông báo dời ngày họp sắp tới đến mùa hè năm 2017 thay vì đầu
năm 2017.
Các nước Mỹ La tinh cũng giữ thái độ nghi ngại trước chính sách đối ngoại của ông Trump. Nước này lo Mỹ sẽ tăng cường can thiệp trong khi nước khác lại lo Mỹ sẽ bỏ rơi.
Tại Mexico, báo Sin Embargo tóm tắt tình hình trong một câu: “Những năm tệ hại sắp đến”.
Kinh tế Mexico đã suy yếu nay lại bấp bênh hơn. Sau bầu cử Mỹ, đồng peso đã mất giá 20%. Ông Trump đã hứa sẽ xây tường dọc biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn người di cư.
Cuba lo ngại nỗ lực xích lại gần nhau giữa Mỹ và Cuba sẽ tan như bọt biển. Colombia lại lo ngại ông Trump sẽ xem xét lại quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Colombia.
Trong khi đó, 7 giờ tối 13-11, đài truyền hình CBS News của Mỹ sẽ phát cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên của ông Trump trong chương trình “60 phút”.
Theo tiết lộ của CBS News, ông Trump kể lại hôm 9-11, bà Hillary Clinton gọi cho ông và nói ngắn gọn “Chúc mừng Donald, ông giỏi lắm”. Sau đó, ông Bill Clinton cũng đã gọi cho ông.
Ông Trump đã khen bà Clinton là một đối thủ đáng gờm, một người mạnh mẽ và thông minh, còn ông Clinton là người lịch thiệp và rất tài năng.
Nói chung, giọng điệu sau bầu cử của ông đã tỏ ra mềm mỏng hơn trước.
Vì sao người biểu tình ở Mỹ cài kim băng? Phong trào cài kim băng bắt nguồn từ Anh. Theo báo New York Magazine, một người dùng trên mạng xã hội đã lấy kim băng làm biểu tượng đoàn kết sau khi xảy ra nhiều vụ tấn công người nhập cư và cộng đồng thiểu số ở Anh sau khi Anh tổ chức trưng cầu ý dân về rời khỏi EU.
Tại Mỹ, nhiều người biểu tình đã cài kim băng trên ngực (ảnh). Một bức ảnh có cài kim băng ghi: “Tôi đang an toàn. Nếu bạn là người theo Hồi giáo, phụ nữ, người đồng giới, người da màu, người gốc Mỹ La tinh, người chuyển giới, người nhập cư hay người tàn tật đang sợ hãi, tôi đang ở đây. Bạn hãy nói, tôi lắng nghe bạn, tôi ủng hộ bạn, tôi đứng lên vì bạn, tôi ngồi xuống vì bạn, tôi thinh lặng vì bạn. Tôi sẽ làm hết sức để bạn biết rằng tôi yêu bạn”. _______________________________________ Tất cả nước đồng minh đều đã long trọng cam kết bảo vệ lẫn nhau. Đây là điều hoàn toàn không thể thương lượng lại. Tổng Thư ký NATO JENS STOLTENBERG |