Các đồng minh Mỹ tại NATO sẽ phải chia sẻ chi phí quân sự nhiều hơn với Mỹ, đại diện tổng thống Cộng hòa Donald Trump khẳng định thế trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo New York Times (Mỹ) ngày 21-7.
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút, ông Trump cho biết sẽ xem lại cam kết bảo vệ đồng minh NATO nếu bị tấn công dựa theo thái độ đóng góp chi phí quân sự cho khối của nước đó, dù nước đó có đang bị Nga tấn công. Ông Trump sẽ buộc các đồng minh chia sẻ chi phí quân sự mà Mỹ phải gồng vai gánh vác trong hàng thập kỷ, sẽ hủy các hiệp ước mà ông đánh giá không có lợi cho Mỹ và sẽ định nghĩa lại khái niệm đối tác của Mỹ.
Nhắc tới Điều 5 trong Hiệp ước 1949 thành lập NATO yêu cầu các thành viên có nghĩa vụ tự động bảo vệ nước thành viên khác khi nước đó bị tấn công, ông Trump phản pháo: “Họ có hoàn thành nghĩa vụ với chúng ta không? Nếu họ thực hiện nghĩa vụ, thì câu trả lời là có.”
“Họ có nghĩa vụ phải chịu chi phí. Rất nhiều nước NATO hiện không đóng góp chi phí quân sự” - ông Trump nói với New York Times.
Ông Trump muốn các thành viên NATO đóng góp nhiều hơn cho chi phí quân sự của khối. (Ảnh: NYT)
Khi được hỏi liệu Mỹ có hỗ trợ ba nước vùng Baltic: Estonia, Latvia, Lithuania – tham gia NATO năm 2004 – nếu bị Nga tấn công hay không, ông Trump không trả lời: “Tôi không muốn nói tôi sẽ làm gì vì tôi không muốn ông Putin biết điều này.”
Mỹ hiện tại chịu 22% ngân sách hằng năm của NATO, gấp đôi Anh và Pháp. Đức là nước đóng góp nhiều thứ hai, 15%.
Tuyên bố của ông Trump nhận nhiều phản ứng trái chiều. Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng bất bình vì tuyên bố này. Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnel cho rằng ông Trump đã sai khi nói Mỹ sẽ không ngay lập tức bảo vệ đồng minh NATO khi đồng minh bị tấn công.
“Tôi không đồng ý điều này. NATO là liên minh quân sự quan trọng nhất trong lịch sử thế giới. Tôi muốn đảm bảo các đồng minh NATO rằng nếu bất kỳ nước nào bị tấn công chúng tôi sẽ bảo vệ họ.”
Theo chuyên gia Xenia Wickett, Giám đốc Chương trình về nước Mỹ tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Chatham House (Anh), thực ra ông Trump chỉ là lặp lại các lo ngại trước đây của các bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama (Robert M. Gates, Leon E. Panetta, Ashton B. Carter).
“Mỹ không muốn tiếp tục choàng ngân sách NATO như hiện tại. Thực ra điều này không mới dù lần này ông Trump làm dữ. Điều đáng ngại là cách thể hiện của ông Trump lại làm lợi cho các đối thủ của NATO hơn là lợi cho liên minh” -chuyên gia Xenia Wickett nhận định.
Tổng thống Obama và nhiều quan chức Mỹ nhiều năm nay cũng kêu gọi các đồng minh NATO đóng góp nhiều hơn, nhưng không tới nỗi đe dọa như ông Trump.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hai tuần trước ở Ba Lan, Tổng thống Obama vẫn trấn an các đồng minh châu Âu “trong bất kỳ thời điểm nào dù xấu hay tốt, châu Âu vẫn luôn có thể trông cậy vào Mỹ.”
Về phần mình, 28 thành viên NATO đều cam kết sẽ thực hiện chỉ tiêu chi 2% GDP cho quân sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales năm 2014 và ở Ba Lan mới đây.
Tuyên bố của ông Trump gây lo ngại lớn trong NATO khi đến vào lúc NATO đang đối mặt nhiều vấn đề: sự cứng rắn của Nga, quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu của Anh, gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại nhiều nước.
Nhiều quan chức châu Âu lo ngại nước Mỹ dưới thời Trump sẽ rời bỏ các cam kết an ninh mà Mỹ đã thực hiện với NATO từ chiến tranh thế giới thứ 2.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ không can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ, tuy nhiên ông rất lo ngại về tuyên bố của ông Trump.
“Sự thống nhất giữa các thành viên là giá trị cốt lõi của NATO. Điều này tốt cho an ninh châu Âu và cũng tốt cho an ninh Mỹ. Chúng ta bảo vệ lẫn nhau. Chúng ta đã kiểm chứng điều này ở chiến trường Afghanistan khi hàng chục ngành binh sĩ châu Âu, Canada và Afghanistan cùng sát cánh kề vai với binh sĩ Mỹ”, New York Times dẫn tuyên bố của ông Stoltenberg.
“Hai cuộc chiến tranh thế giới đã cho thấy hòa bình ở châu Âu quan trọng thế nào với an ninh của Mỹ” - theo ông Stoltenberg.
Cũng theo ông Stoltenberg, đó tới giờ điều Điều 5 trong Hiệp ước 1949 mới được kích hoạt một lần: sau sự kiện Mỹ bị khủng bố ngày 11-9-2001.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định thống nhất giữa các đồng minh là giá trị cốt lõi của NATO. (Ảnh: AP)
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, tuyên bố của ông Trump không thỏa đáng, vì “Điều 5 Hiệp ước 1949 là một cam kết vô điều kiện, nó không đi kèm điều kiện hay cảnh báo nào.”
Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển, lo ngại tuyên bố của ông Trump gây nguy hiểm cho ổn định toàn cầu khi có thể kích thích các nước như Nga, Trung Quốc khi nghĩ rằng Mỹ sẽ không theo đuổi cam kết bảo vệ đồng minh.
Ông Toomas Hendrik Ilves, Tổng thống Estonia viết trên Twitter rằng Estonia là một trong năm nước NATO thực hiện đúng chỉ tiêu chi 2% GDP cho chi tiêu quân sự. Bốn nước khác là Mỹ, Anh, Ba Lan, Hy Lạp. Tổng thống Ilves cũng cho biết Estonia tham gia đưa quân sang Afghanistan theo Điều 5.
Ông Artis Pabriks, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Latvia – có biên giới với Nga – viết trên Twitter “Một khi Trump đã đặt câu hỏi về sự thống nhất của NATO theo Điều 5 thì việc ông ta trở thành tổng thống Mỹ là sự nguy hiểm với an ninh vùng Baltic.”
Bà Dalia Grybauskaite, Tổng thống Lithuania thì nhanh chóng trấn an người dân “Không cần quan tâm ai là tổng thống tiếp theo của Mỹ, chúng tôi tin ở Mỹ. Mỹ luôn bảo vệ các nước bị tấn công, và sẽ vẫn làm thế trong tương lai.”
“Lithuania cũng như các nước Baltic khác sẽ làm tất cả những gì có thể. Chúng tôi sẽ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, và sẽ đạt chỉ tiêu chi 2% GDP cho quân sự vào năm 2018. Tôi không nghĩ không cần thiết phải đặt nặng lời nói của ứng viên tổng thống Trump. Chúng tôi biết Mỹ sẽ vẫn là đối tác quan trọng nhất của mình.”
Hoàn toàn trái ngược với phản ứng của các thành viên NATO, tuyên bố của Trump lại nhận được sự hoan nghênh tại Nga. Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov bày tỏ sự ủng hộ ông Trump khi đưa ra hai quan điểm của bà Clinton – củng cố quan hệ với các đồng minh chống Nga, và của ông Trump – chỉ phản ứng với các đe dọa thực sự.