Nắm trong tay những bản quyền nội dung hấp dẫn và những giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, K+ luôn định vị mình là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cao cấp.
Chính vì thế ngay cả khi các đài khác đang cạnh tranh khốc liệt bằng giá rẻ, K+ vẫn khẳng định đứng ngoài cuộc đua này.
K+ giảm giá mạnh...
Mặc dù vẫn chưa có thông tin rõ ràng về thời gian Viettel, VNPT, FPT sẽ chính thức tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, thị trường đã xuất hiện ồ ạt các cuộc giảm giá, khuyến mãi của nhiều nhà đài nhằm chiếm giữ trước các thuê bao cho mình.
Truyền hình cáp TP.HCM (SCTV) đang rầm rộ mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Bắc với các chiêu khuyến mãi. Tương tự, Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) cũng áp dụng chương trình khuyến mãi miễn phí hòa mạng, miễn phí bốn tháng thuê bao...
Người tiêu dùng ngày càng yêu thích K+ nhờ các chương trình chất lượng cao. Ảnh minh họa: K+
Luôn giữ quan điểm đứng ngoài cuộc chiến về giá, thế nhưng mới đây K+ (nhà cung cấp dịch vụ truyền hình có yếu tố nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam) cũng đã thay đổi chiến lược kinh doanh. Về giá thiết bị, K+ giảm giá bộ đầu thu SD từ 1,5 triệu đồng xuống còn 990.000 đồng; đầu thu HD từ 2 triệu đồng/bộ xuống còn 1,8 triệu đồng/bộ.
Về giá các gói dịch vụ, từ ba gói kênh Access+, Premium+ và HD+ đã được K+ cơ cấu lại thành hai gói kênh mới là Access+ và HD+. Phí thuê bao gói Access+ là 85.000 đồng/tháng và PremiumHD+ là 220.000 đồng/tháng bất kể thời hạn ba, sáu hay 12 tháng. Như vậy mức phí mà các thuê bao xem truyền hình độ nét cao HD phải đóng hằng tháng giảm tới 20%.
Đáng chú ý ở đợt cơ cấu lại giá cước lần này của K+ là cú hích có thể tác động đến thị trường truyền hình trả tiền. Bởi khách hàng có thể lựa chọn xem HD hay SD với cùng một mức phí thuê bao. Nghĩa là người xem có lợi hơn khi đóng phí thuê bao thấp hơn mà được xem chất lượng HD bằng cách nâng cấp đầu thu từ SD lên HD.
... Và “giảm giá không có nghĩa là đua giá rẻ”
Đó là tuyên bố của ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc Truyền hình số vệ tinh K+. “Sự điều chỉnh giá của K+ nhằm có lợi hơn cho khách hàng và dựa vào điều kiện thực tế. Giá đầu thu giảm do công nghệ số phát triển, giá các thiết bị hầu như đều rẻ đi. Bên cạnh đó, số lượng thuê bao ngày càng phát triển giúp cho K+ đưa ra các chính sách cước linh hoạt và mức giá mềm hơn cho người dùng” - ông Liết khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết truyền hình trả tiền là thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các nhà đài cung cấp dịch vụ với giá ngày càng rẻ nhưng vẫn phải bảo đảm nội dung hấp dẫn để người tiêu dùng hưởng lợi.
Nhìn vào hướng đầu tư của K+ cho thấy nhà đài này không có ý định tham gia cuộc đua giá rẻ như các nhà đài khác. Ngoài chi phí mua bản quyền Ngoại hạng Anh xấp xỉ 40 triệu USD, K+ vẫn đang tiếp tục chi mạnh cho các bản quyền truyền hình “khủng” như các giải bóng đá lớn khác, các bộ phim bom tấn của điện ảnh thế giới, các bộ phim truyền hình ăn khách của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... và tự sản xuất các chương trình truyền hình chất lượng HD.
“Từ trước đến nay K+ chưa bao giờ chạy đua giá rẻ nhưng đến thời điểm này chúng tôi đã có 600.000 thuê bao. Với chiến lược khác biệt trong thị trường cạnh tranh, tập trung chất lượng nội dung để thu hút khách, chúng tôi thường xuyên thực hiện nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng để luôn có các chương trình độc đáo, đặc sắc” - ông Cao Văn Liết nói.
Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, cho biết: Thị trường truyền hình nên có các nhà cung cấp theo chiến lược giá rẻ hướng tới đối tượng khách hàng bình dân. Có doanh nghiệp lại theo định hướng dịch vụ cao cấp và hướng tới khách hàng có khả năng chi trả. Cần khuyến khích các loại hình dịch vụ phát triển để đáp ứng nhu cầu của khán giả truyền hình.
MINH QUANG