Kẻ chủ mưu khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất lãnh 16 năm tù

Chiều 27-12, sau hai ngày xét xử, TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. 

Tại tòa, ngoài Nguyễn Thị Chung, Thái Hàn Phong, Vũ Mộng Phong, Hoàng Văn Dương không thừa nhận hành vi phạm tội và có lời khai khác, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 

Chỉ khủng bố “chém gió” trên Facebook

Tại tòa, bị cáo Đặng Hoàng Thiện, kẻ chủ mưu đồng thời cũng là người đã chế tạo bom xăng đặt ở sân bay Tân Sơn Nhất và đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông (ở Biên Hòa, Đồng Nai), khai nhận chi tiết việc quen biết với Phạm Lisa qua Facebook từ tháng 6-2016. Thiện tỏ thái độ thành khẩn khai báo mọi quá trình tham gia hoạt động trong tổ chức phản động của Phạm Lisa và việc nhận tiền, nhận chỉ đạo từ “chỉ huy”.

Bị cáo Ngô Thụy Tường Vy tỏ ra ăn năn hối hận. Vy khai: “Bị cáo thấy mình sai rồi, bị cáo vô tình làm người xấu. Trong đầu bị cáo không có ý thức gì về chính trị, không biết thế là khủng bố, mà chỉ vì bức xúc và tâm trạng không tốt nên làm bậy”... Vy cho rằng chỉ tham gia vụ đặt bom xăng chứ không tham gia nhóm “Phượng Hoàng”, chuẩn bị vũ khí cùng nhóm này như cáo trạng truy tố.

Bị cáo Nguyễn Đức Sinh, thành viên cốt cán thứ hai của vụ án, cũng thành khẩn khai nhận mọi hành vi phạm tội. Sinh thừa nhận đã phân công “nhiệm vụ” cho các đối tượng trong nhóm nhưng bị cáo khẳng định “Phân công thì phân công vậy chứ ai làm hay không thì tùy”.

Các bị cáo khác tại tòa cũng cho rằng việc tham gia nhóm do Phạm Lisa tổ chức chỉ là “chém gió” trên Facebook chứ chưa thực hiện kế hoạch.

Các bị cáo đang khai tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

Áp dụng nguyên tắc có lợi

Theo VKS, việc truy tố các bị cáo về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Lê Thị Thu Phương về tội không tố giác tội phạm là hoàn toàn đúng người, đúng tội. Đa số bị cáo là những người còn trẻ tuổi, trình độ học vấn thấp, là lao động tự do nên đã bị các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng, lôi kéo và kích động tham gia vào tổ chức phản động, chống đối lại chính quyền và nhân dân. Việc không xảy ra thiệt hại về người là nằm ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo. Từ đó VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt Thiện mức án từ 16 đến 18 năm tù; bị cáo Nguyễn Đức Sinh từ 14 đến 16 năm tù. Các bị cáo khác bị từ năm đến 14 năm tù.

HĐXX nhận định các bị cáo bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 84 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, tòa cũng áp dụng các nguyên tắc có lợi theo BLHS mới năm 2015 để xem xét cho các bị cáo trong vụ án này. 

HĐXX cho rằng đủ căn cứ xác định các bị cáo có hành vi như cáo trạng đã truy tố. Hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo luật định. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án đều phù hợp chi tiết về mặt thời gian lẫn không gian để xác định hành vi phạm tội. Dù hậu quả thiệt hại về người chưa xảy ra nhưng hành vi, phương pháp, thủ đoạn của các bị cáo có nhiều khả năng gây ra thiệt hại cho nhiều người, hậu quả không thể lường trước được. Đặc biệt, vụ khủng bố tại sân bay Tân Sơn Nhất là đặc biệt nguy hiểm, hậu quả lớn chưa xảy ra là do cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn.

Luật sư của một số bị cáo cho rằng thân chủ đã tự ý giữa chừng chấm dứt hành vi phạm tội là không phù hợp, không đúng. Đồng thời có luật sư bào chữa cho là chưa có thiệt hại tính mạng xảy ra nên đề nghị chuyển khung hình phạt từ khoản 1 sang khoản 3 cho bị cáo cũng không thể chấp nhận. 

Hơn nữa, trước khi thực hiện các vụ khủng bố, các bị cáo đều có bàn bạc kế hoạch, thống nhất thực hiện. Trong các vụ khủng bố, các bị cáo đều cố thực hiện đến cùng. Đối với các hành vi mua vũ khí, chế tạo bom xăng, hủy hoại tài sản đều nhắm tới mục đích khủng bố, chống chính quyền nhân dân... Trong vụ án này, một số bị cáo không tham gia tổ chức phản động nhưng giúp sức và để mặc hậu quả là đồng phạm. Hành vi của các bị cáo phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng, phá hoại theo nhiều hình thức khác nhau: Lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức phản động, chế tạo bom, đánh bom, đốt bãi xe.

Từ đó, HĐXX cho rằng cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, cải tạo. Theo đó, tòa tuyên phạt Đặng Hoàng Thiện 16 năm tù, Nguyễn Đức Sinh 10 năm tù. Các bị cáo khác bị phạt từ năm đến 14 năm tù cùng về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Ngoài ra, HĐXX còn áp dụng biện pháp quản chế tại nơi cư trú đối với các bị cáo sau khi chấp hành xong hình phạt từ ba đến năm năm. Riêng Lê Thị Thu Phương (bạn gái Thiện) bị phạt một năm sáu tháng án treo về tội không tố giác tội phạm.

Theo lời khai của Sinh và Thiện, Phạm Lisa chỉ đạo các bị cáo đặt bom, đốt kho xe với mục đích là “gây tiếng vang” để phô trương thanh thế cho tổ chức phản động. Ngoài việc đốt kho xe Công an TP Biên Hòa, theo chỉ đạo của Phạm Lisa, Sinh còn cùng một số đối tượng khác chuẩn bị vũ khí, phương tiện nhằm tiến hành các hoạt động khủng bố chống chính quyền nhân dân ở Việt Nam vào dịp Tết nguyên đán 2017 và dịp lễ 30-4-2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm