Kế hoạch mở cửa du lịch của TP.HCM từ tháng 10 ra sao?

Chiều 16-10, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức “Hội nghị triển khai Kế hoạch phục hồi du lịch TP.HCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, kế hoạch phục hồi xác định năm quan điểm. Đó là An toàn đến đâu mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn; lấy thị trường nội địa là chủ lực trong phục hồi du lịch; tập trung xây dựng các điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn và nguồn nhân lực an toàn để phục hồi bền vững. 

TP sẽ kết nối với các tình thành phát triển thêm tuyến điểm an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả phục hồi.

Kế hoạch xác định tiêu chí đối với du khách đó là có thẻ xanh, F0 đã khỏi bệnh không quá 180 ngày; đã tiêm chủng ít nhất một mũi với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm và xuất trình kết quả âm tính còn hiệu lực theo quy định.

Từ ngày 9-10, Saigontourist tiên phong mở bán tour đến vùng xanh Cần Giờ dành cho du khách.

Theo bà Hoa, về lộ trình phục hồi, kế hoạch xác định ba giai đoạn.

Giai đoạn một trong tháng 10 chủ yếu mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh để chuẩn bị cho giai đoạn hai.

Theo đó, khách du lịch có thể tự đi du lịch, tự thiết kế chuyến đi của mình đến các điểm thăm quan trên địa bàn TP hoặc tổ chức theo đoàn qua các công ty. Trong giai đoạn này các cơ sở lưu trú và điểm thăm quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

Giai đoạn hai từ ngày 01-11 đến 31-12 đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh. Theo đó, mời khách đến các điểm thăm quan trên địa bàn TP theo hình thức tổ chức hoặc hình thức khách đoàn qua các công ty tổ chức.

Các chuyến đi liên tỉnh hoặc đón khách từ các tỉnh đến TP.HCM trong giai đoạn này phải thống nhất về lộ trình giao thông giữa các tỉnh thành với nhau. Do đó, theo các tuyến này khách du lịch sẽ đi theo khách đoàn thông qua các công ty lữ hành tổ chức

Cơ sở lưu trú, điểm thăm quan hoạt động công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ như ăn uống tại chỗ, spa.... phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố.

Trong giai đoạn này, sở thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong đó đưa vào sử dụng bản đồ du lịch thực tế ảo 3D, 360 độ.

Dự kiến tháng 11, sau khi hoàn thành cập nhật những điểm đến trên địa bàn TP, thông qua hình ảnh 3D du khách có thể thăm quan ảo TP và mua sắm trực tuyến. 

Song song đó, sở tổ chức Ngày hội du lịch TP.HCM theo hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên sàn giao dịch trực tuyến ảo giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ được giới thiệu đến du khách.

Ngành du lịch đẩy mạnh chương trình kích cầu lễ Giáng Sinh, Tết dương lịch và năm mới tại website kichcaudulichtp.hcm.vn.  

Giai đoạn 3 trong năm 2022 sẽ khôi phục tất cả các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi. Đồng thời, đón khách quốc tế đến TP, đưa khách quốc tế đến các tuyến liên tỉnh.

Giai đoạn này, sở triển khai các giải pháp trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện, nâng chất sản phẩm du lịch theo hướng mỗi địa bàn có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng.

Đẩy mạnh hỗ trợ DN tiếp cận, kết nối lại thị trường trong và ngoài nước theo hình thức trực tuyến và trực tiếp để xúc tiến, chào bán các sản phẩm du lịch.

Cũng tại hội nghị, Sở Du lịch công bố dữ liệu tài nguyên du lịch của TP gồm 366 điểm đến trong đó có 225 điểm đến mang đặc trưng riêng của Sài Gòn xưa và nay.

120 điểm đến được hình thành từ các phố chuyên kinh doanh, phố cổ, phố cộng đồng có phục vụ du lịch, các công trình nhân tạo có tính hấp dẫn với khách du lịch.

Năm tuyến du lịch chính và 42 chương trình du lịch được xây dựng gắn với ba chủ đề “Sài Gòn xưa và nay”, “Cảm xúc Sài Gòn”, “Nhịp sống Sài Gòn”.

Tất cả dữ liệu đã được cập nhật trên công cụ tìm kiếm Google và được công bố trên website của Sở Du lịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới