Kẻ vui người buồn vì lãi suất ưu đãi

(PLO)- Bên cạnh những doanh nghiệp lâm thủy sản được vay lãi suất thấp từ gói tín dụng 15.000 tỉ đồng thì vẫn có những doanh nghiệp chỉ biết chính sách này qua báo chí.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau hơn 4 tháng triển khai, tỉ lệ giải ngân của gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản đã đạt khoảng 60%.

Giải ngân gói tín dụng 15.000 tỉ rất khả quan

Đặc biệt, tại Agribank tính đến hết tháng 10 đã giải ngân được gần 90%, tương đương 2.600 tỉ đồng trên tổng số 3.000 tỉ đồng cam kết hỗ trợ.

Còn tính riêng trên địa bàn thành phố, số tiền giải ngân của gói tín dụng này đến thời điểm hiện tại đạt gần 500 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Gói tín dụng 15.000 tỉ đồng được các ngân hàng triển khai để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành lâm sản và thủy sản. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã giải ngân được 474 tỉ đồng cho 196 khách hàng, gồm 149 khách hàng cá nhân, hộ gia đình và 47 khách hàng doanh nghiệp.

Với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung và dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, gói tín dụng này đã đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Lãi suất cho vay của gói tín dụng 15.000 tỉ đồng thấp hơn mặt bằng chung từ 1-2%/năm.
Lãi suất cho vay của gói tín dụng 15.000 tỉ đồng thấp hơn mặt bằng chung từ 1-2%/năm.

Thứ nhất, giúp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, dư nợ cho vay lĩnh vực này trên địa bàn đạt 355 tỉ đồng, chiếm 78,1% tổng dư nợ cho vay lâm sản, thủy sản từ gói tín dụng hỗ trợ.

Nếu phân theo mục đích sử dụng vốn, dư nợ cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 240 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng cao nhất với 67,6% dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản trên địa bàn (tính theo gói tín dụng 15.000 tỉ đồng).

Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động thu mua, tiêu thụ lâm sản. Tổng dư nợ cho vay hỗ trợ từ gói tín dụng này đối với lĩnh vực thu mua, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn đạt 75 tỉ đồng, chiếm 76% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn từ chương trình này. Trong khi đó, cho vay chế biến, bảo quản lâm sản đạt 24 tỉ đồng, chiếm 24%.

"Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng chỉ từ 4%- 6%/năm và lãi suất cho vay ngoại tệ từ 3,5% - 5,5%/năm, đã giúp khách hàng giảm được chi phí vay vốn, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh từ đó giúp doanh nghiệp, người dân duy trì và ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn", ông Lệnh nhấn mạnh.

Vẫn có doanh nghiệp khó tiếp cận

Trao đổi với báo Pháp luật Tp.HCM, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết: Hiện tại doanh nghiệp đang được vay theo chính sách ưu đãi lãi suất của gói này, với lãi suất ngắn hạn là 5,5%/năm, thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với trước. Mức lãi suất này bù đắp chi phí cho doanh nghiệp thuỷ sản rất nhiều bởi hiện nay chúng tôi đang phải bán hàng dưới giá vốn.

Lý giải thêm về điều này, ông Hàng Văn nói: Sau dịch COVID-19, giá nuôi cá tra bị đội lên tới 20% so với trước, qua đó đẩy giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với các thị trường ở khu vực lân cận, khiến doanh nghiệp thuỷ sản rất khó cạnh tranh. Trước đây, giá thành nuôi cá tra nguyên liệu khoảng 1 USD/kg, nếu tỉ giá USD/VND là 19.000 đồng hay 20.000 đồng thì giá cá tra cũng tương đương.

Nhưng hiện nay giá vốn đã tăng lên gần 1,2 USD/kg. Song giá cá tra bán ra vào thời điểm này chỉ có 1,05 - 1,1 USD/kg. Tức là mỗi kg cá tra xuất khẩu, doanh nghiệp đang bị lỗ từ 10 – 15 cent (tương đương khoảng 2.450 – 3.600 đồng). Do đó, so với thời điểm tháng 5, 6 vừa qua đến nay đơn hàng đặt mới đã tăng khoảng 20-30%, nhưng doanh số bán hàng tăng cao thì lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn bị giảm.

Chính vì vậy, chúng tôi rất mong gói tín dụng với lãi suất ưu đãi như trên tiếp tục được gia hạn. Hiện nay, gói tín 15.000 tỉ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và kéo dài đến hết ngày 30-6-2024. Chúng tôi rất mong, chính sách ưu đãi này tiếp tục được gia hạn ít nhất cho đến hết năm sau nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu tốt hơn.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) lại cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ, xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Dubai, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chúng tôi mới chỉ nghe đến gói vay này “trên báo chí” chứ không hề được nghe nhân viên ngân hàng tư vấn về gói vay này.

"Hiện chúng tôi đang phải vay với lãi suất thương mại dao động từ 7,5 – 8%/năm. So với trước, mức lãi suất này đã thấp hơn khoảng 1,5%/năm, nhưng việc khó tiếp cận với gói vay ưu đãi cũng khiến doanh nghiệp bị thiệt thòi", ông cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Gói tín dụng này hiện đang được giải ngân rất tốt và nguồn vốn hiện nay tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu để thu mua, tích trữ sản phẩm lâm thủy sản của bà con nông dân.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải tính vòng quay vốn trên cơ sở hợp đồng của doanh nghiệp, đó là nếu hợp đồng đầu ra đã có thì việc cho vay sẽ dễ dàng hơn. Còn với những hợp đồng mua thu mua nguyên liệu nhưng lại chưa có hợp đồng đầu ra thì chúng tôi sẽ phải thận trọng. Bởi hàng thuỷ sản cũng không thể tích trữ quá lâu mà có thời hạn nhất định.

"Chính sách hỗ trợ lãi suất của gói 15.000 tỉ đồng này được kéo dài đến hết 30-6-2024. Trong trường hợp gói này được giải ngân hết trước thời điểm kể trên, chúng tôi sẽ bố trí thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp của lĩnh vực lâm thuỷ sản với lãi suất ưu đãi hơn so với mặt bằng chung của thị trường”, bà Phượng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm