Kéo dài thời hiệu kỷ luật hành chính cán bộ, công chức là tất yếu

(PLO)- Việc đồng bộ thời hiệu kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một trong những nội dung quan trọng cần quan tâm khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức chính là thời hiệu kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do pháp luật quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Hay nói cách khác, yếu tố thời hiệu có thể “vô hiệu hóa” việc xử lý kỷ luật.

Trước đây, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 quy định thời hiệu kỷ luật hành chính với cán bộ, công chức, viên chức chỉ là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Vì thời hạn này quá ngắn nên thực tế đã có nhiều trường hợp vi phạm nhưng không thể xử lý kỷ luật vì lý do khi phát hiện đã hết thời hiệu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày dự thảo trước Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày dự thảo trước Quốc hội.
Ảnh: PHẠM THẮNG

Do đó, khi Quốc hội (QH) ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã quy định lại vấn đề thời hiệu. Theo đó, thời hiệu kỷ luật là hai năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; năm năm đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên.

Đồng thời, có bốn trường hợp ngoại lệ không áp dụng thời hiệu kỷ luật: Vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Mặc dù đã có sự thay đổi theo hướng kéo dài thời hiệu kỷ luật như trên nhưng thực tiễn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn bộc lộ khiếm khuyết khi thời hiệu kỷ luật về mặt Đảng và thời hiệu kỷ luật hành chính chưa có sự đồng bộ với nhau. Điều này dẫn đến phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính, các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu.

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, thời hiệu kỷ luật Đảng là năm năm trong khi thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính chỉ là hai năm. Đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật Đảng là 10 năm còn thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là năm năm.

Ở nước ta, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta là đảng viên. Khi có hành vi vi phạm, bên cạnh kỷ luật đảng thì các chủ thể này còn bị xem xét kỷ luật về mặt hành chính.

Do đó, bảo đảm sự tương thích trong các quy định về kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức là tất yếu khách quan.

Cũng cần lưu ý thêm là các hình thức kỷ luật Đảng không thay thế xử lý kỷ luật hành chính, bởi tính chất, ý nghĩa của những loại trách nhiệm này khác nhau. Vì thế, việc Chính phủ đề xuất QH ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh thời hiệu kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để có sự đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, bên cạnh việc điều chỉnh vấn đề thời hiệu kỷ luật thì cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức cần phải chú trọng đến công tác theo dõi, giám sát nhân sự một cách chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời khi có hành vi vi phạm xảy ra. Bởi nếu các cơ quan này buông lỏng quản lý thì việc quy định thời hiệu kỷ luật ngắn hay dài cũng không có nhiều ý nghĩa do hành vi vi phạm không thể phát hiện để xử lý theo quy định, mục đích kỷ luật để răn đe sẽ không đạt được.

Chính vì vậy, cũng cần xem xét bổ sung các biện pháp xử lý phù hợp đối với cơ quan quản lý, cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra trường hợp đơn vị có người vi phạm nhưng không thể kỷ luật do quá thời hiệu.

Ủy ban Pháp luật của QH tán thành đề xuất

Ngày 21-10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước QH dự thảo Nghị quyết về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau.

Chính phủ cho rằng điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể”; “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể” cũng như chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng trong thời gian qua.

Để khắc phục, Chính phủ đề nghị QH ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ tư QH khóa XV để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình QH sửa đổi các luật có liên quan.

Theo đó, Chính phủ trình QH quy định: Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật năm năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

Thẩm tra đề xuất trên, Ủy ban Pháp luật tán thành với các đề xuất của Chính phủ. Cơ quan thẩm tra cho rằng nghị quyết của QH khi được ban hành sẽ giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm