Kết cục cay đắng sau hôn nhân tan vỡ

Vừa qua, câu chuyện người cha Trần Trung Hiếu bị sát hại chỉ vì muốn gặp con đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Án mạng xảy ra tối 4/1, khi người cha (28 tuổi) đến nhà mẹ vợ ở quận 8, TP HCM, thăm con và cự cãi qua lại với em vợ là Trần Minh Việt. Việt đã vào nhà lấy dao đâm anh Hiếu khiến anh tử vong sau đó vài tiếng.

Một đồng nghiệp của nạn nhân sau đó chia sẻ trên diễn đàn Internet kể rằng vợ chồng Hiếu đã ly dị và anh này nhiều lần đến thăm con nhưng đều bị nhà vợ ngăn cản, thậm chí từng bị đánh dẫn đến chấn thương sọ não.

Câu chuyện tình phụ tử kết thúc trong cay đắng đã lay động hàng nghìn người. Trên các trang mạng xã hội, cộng đồng lên án gay gắt hành động của những người trong cuộc đã vô tâm ngăn cản tình phụ tử lại còn ra tay sát hại người cha nặng lòng thương con. Những trang Facebook được lập ra nhằm "Đòi lại công lý cho người cha bị đâm chết vì đến thăm con" kêu gọi ủng hộ anh Hiếu thu hút hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận.
 

Kết cục cay đắng sau hôn nhân tan vỡ ảnh 1
Anh Hiếu và con gặp nhau qua khung cửa sắt (trước ngày anh bị em của vợ đâm chết). Ảnh từ clip tình phụ tử trên mạng.
Nhiều độc giả có cảnh ngộ gia đình tương tự cũng gửi thư đến chia sẻ. Như một bạn đọc tâm sự: “Từ khi vợ chồng chia tay nhau, mỗi khi đến phiên tôi được thăm viếng con, vợ cũ của tôi kiếm chuyện đủ thứ. Tôi rất thương con nhưng dằn lòng không đến nữa để nó tránh được việc phải nhìn cảnh cha mẹ xung đột”. Độc giả Hanh My kể: "Câu chuyện khiến tôi nhớ lại gia cảnh anh trai tôi. Anh cũng ra đi trong nỗi đau bị chia lìa tình cảm với đứa con trai vừa tròn 3 tuổi bởi gia đình nhà vợ. Sự nhẫn tâm của người vợ hành hạ anh từ tinh thần tới đánh đập khi thân thể anh tôi đang phải chống chọi với bệnh tật". Cũng đồng cảnh ngộ tổ ấm gia đình tan vỡ, chị Nguyễn Thị Hương (ở Thái Nguyên) cho biết, cuộc sống vợ chồng không hợp nên cả hai quyết định ly hôn. Công việc của chị thường xuyên phải xa nhà nên tòa án đã quyết định để cho chồng được quyền nuôi con, còn chị có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con 18 tuổi và được quyền thăm nuôi con. "Nhưng từ khi ly hôn đến nay, chồng tôi luôn luôn tìm cách ngăn cản việc tôi thăm nuôi con? Việc làm của gia đình nhà chồng tôi có vi phạm pháp luật không? Nếu tái diễn nhiều lần có bị xử lý không?", người mẹ đăng đàn hỏi ý kiến. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này”. Và trong biên bản ly hôn cũng ghi rõ người không được nuôi con có quyền đến thăm trẻ cụ thể bao nhiêu lần trong tháng hoặc trong tuần. Tuy nhiên thường trong hoàn cảnh bố hoặc mẹ bị một bên cản trở việc thăm nom con, nhiều người chưa có thói quen nhờ đến sự trợ giúp của chính quyền (cụ thể là hội phụ nữ, công an địa phương) và cơ quan thi hành luật. Ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn văn phòng TT&T Tổng đài 1088 TP HCM nhìn nhận: "Thường khi gặp chuyện, hai bên chỉ dàn xếp tay đôi với nhau nên có khi dẫn đến cự cãi, xô xát. Nhất là trong trường hợp cả hai bên đều nóng nảy thì dẫn đến bi kịch án mạng đáng tiếc như vụ việc vừa qua". Vì thế vị chuyên viên khuyên, sau khi ly dị người được quyền đến thăm con cũng cần phải đối xử tế nhị, khéo léo để không bị mất lòng với vợ/chồng cũ. Song nếu người kia vẫn tìm cách ngăn cản người kia thực hiện quyền thăm nom, chăm sóc con tức là vi phạm pháp luật. Nếu hành vi này tái diễn nhiều lần, chồng hoặc vợ có thể yêu cầu UBND phường can thiệp, xử phạt. Những nghiên cứu tâm lý - xã hội học cho thấy, khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, đối tượng gánh chịu thiệt thòi, đau đớn và mất mát lớn nhất là những đứa con. Sự thiếu thốn tình cảm cha hoặc mẹ, không được dạy bảo đến nơi đến chốn cũng dễ khiến các em sa ngã hoặc trở thành tội phạm. Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), đa phần tội phạm xuất thân mồ côi lang thang hoặc cha mẹ ly dị, bỏ học sớm, bị kẻ xấu xúi giục cướp tài sản, giết người, buôn bán ma túy... Như trường hợp gia đình chị Mùi (Quảng Ninh) có hai con trai, đứa lớn sinh năm 1988, nhỏ sinh năm 1995. Giữa hai vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn vì không thống nhất được cách dạy con. Mỗi lần con phạm lỗi, chị nghiêm khắc dạy bảo, uốn nắn nhưng chồng lại xuề xòa cho qua. Thay vì suy nghĩ để tìm ra lối thoát, cùng chồng dạy dỗ con cái, chị Mùi đâm đơn ra tòa ly hôn rồi bỏ nhà đi. Không ngờ trong thời gian này đứa con lớn của chị vì "chán đời" đã lún sâu vào nghiện ngập hút chích ma túy, đứa nhỏ sau đó cũng bỏ học đi bụi. Nghe tin này, chị Mùi mới hối hận quay về làm lại từ đầu và lo cho con cai nghiện. Năm 2008 cũng một mái ấm tan đàn xẻ nghé gây xôn xao một vùng quê nghèo thuộc huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Vợ chồng chị Liên và anh Thắng Sống với nhau có 3 mặt con, hai gái và một trai. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng gia đình rất đầm ấm. Sau đó kinh tế gia đình khấm khá hơn cũng là lúc vợ chồng thường hay xảy ra xích mích, đánh chửi nhau. Không chịu đựng được, chị Liên làm đơn ly hôn. Theo phán quyết của tòa án, người mẹ được sở hữu và sử dụng toàn bộ tài sản trị giá 176 triệu đồng và nuôi 3 đứa con. Quá uất ức vì không được chia số tài sản mà hai vợ chồng đã gây dựng nên, ngày 16/5/2008, anh Thắng đã rút dao chém vợ khiến chị phải đi cấp cứu. Thắng sau đó đã bỏ trốn khỏi địa phương, chị Liên bị thương tật 52% mất sức lao động phải sống dựa vào gia đình ngoại, những đứa con sống trong cảnh cơ cực cơm bữa đực bữa cái. Xét về tầm quan trọng của gia đình trong quá trình lớn lên và trưởng thành của một đứa trẻ, ông Văn Thanh Sĩ cho rằng chúng cần phải có sự giáo dục của cả cha và mẹ. Sự tan vỡ của bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng để lại hệ lụy nhất định đối với con cái. Vì thế ông khuyên các bậc làm cha mẹ khi gia đình xảy ra mâu thuẫn hãy nghĩ thật nhiều đến những đứa con, đến tình nghĩa vợ chồng trước khi chọn giải pháp ly hôn. Tuy nhiên trong trường hợp không thể hàn gắn được mà phải chia tay nhau, vị chuyên viên khuyên các bậc làm cha mẹ không nên quay sang thù địch nhau, hãy vì con cái mà tôn trọng và đối xử với nhau như những người bạn. Nếu được thì cùng nhau chăm sóc cho những đứa con để chúng không chịu cảnh bất hạnh thiếu thốn tình cảm.
 
Theo Thi Trân (VnExpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm