Từ khi vào làm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (Bình Phước) thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, anh Nguyễn Viết Thanh, hiện nay là trưởng khoa Tâm thần, luôn tâm niệm “người bình thường có những sở thích, ao ước gì thì người tâm thần cũng có”. Nhiều sáng kiến của anh trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh đã giúp họ khôi phục tinh thần, ký ức, đoàn viên với người thân.
Xóa mù chữ cho người tâm thần
“Con đang ẩn nấp trong này hoạt động cách mạng. Con làm một tháng 500 triệu. Đợi con về cưới hai mấy bà vợ, đẻ hai mấy đứa con cho ba mẹ” - đó là những dòng tâm sự của một bệnh nhân tâm thần khi được anh Thanh gợi ý viết thư về cho người thân. Nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu hoang tưởng nặng nên anh Thanh phải vội vàng xem lại phác đồ điều trị phù hợp hơn cho bệnh nhân.
Ngoài ra, anh sàng lọc những bệnh nhân không biết chữ để mở lớp xóa mù chữ. Sáng kiến này do anh Thanh đề xuất, được áp dụng tại trung tâm từ tháng 3-2016 khi thấy nhiều bệnh nhân cầm quyển sách lật tới lật lui rất tội nghiệp. Lớp xóa mù chữ không nhiều người, học trò học trước quên sau nhưng không bao giờ làm thầy mất kiên nhẫn là hình ảnh của lớp học đặc biệt này. Qua hơn bảy tháng mở lớp, một số bệnh nhân đã viết thư thăm hỏi được gia đình, giải tỏa nỗi lòng, hiểu hơn ngôn từ trên tivi, sách báo.
Năm 2015, thời tiết nóng ẩm, bệnh nhân mắc bệnh ghẻ rất nhiều. Thấy thuốc uống thì có hại, bôi thì không xuể nên anh Thanh đã tìm tòi ra phương pháp nấu vỏ và lá xà cừ để tắm cho bệnh nhân. Ban ngày anh và các nhân viên đi chặt vỏ, buổi chiều đem về cho bệnh nhân tắm. Nhờ vậy mà khống chế được bệnh. Ngoài ra, anh còn trồng thêm vườn thuốc Nam gồm những cây thuốc dân gian để chữa bệnh thông thường cho bệnh nhân.
Một lần tình cờ quan sát thấy bệnh nhân nghe chương trình radio kể chuyện đêm khuya của Đài Phát thanh Bình Phước rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngon, anh Thanh đã quyết định ứng dụng thường xuyên cho tất cả bệnh nhân ở trung tâm.
Anh Nguyễn Viết Thanh đang thăm khám cho bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (Bình Phước). Ảnh: TL
Những cuộc đoàn tụ đầy nước mắt
Đã bốn cái tết trôi qua, anh đón giao thừa cùng người bệnh, anh Thanh chia sẻ người bệnh tâm thần bỏ nhà đi lang thang, không nơi nương tựa cũng có khao khát đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, do họ không nhớ được địa chỉ nên rất khó đưa họ về. Anh luôn tận tâm chữa bệnh để mong người tâm thần hồi phục, nhớ ra gốc gác của mình.
Nhiều người tâm thần sau một thời gian bệnh tình ổn định đã nhớ lại nơi mình từng sống, dù mơ hồ nhưng đó cũng là manh mối giúp anh Thanh tìm ra người thân cho họ. Một trong những trường hợp đó là anh Thái, được đưa vào trung tâm năm 2013, hỏi gì cũng chỉ biết “ờ”. Mỗi lần sinh hoạt, anh đều gặng hỏi về gia đình của Thái. Cho đến một ngày Thái nhớ ra tên của mẹ là Khối, nhà ở ấp Trung, Đồng Tháp.
Tìm thông tin trên mạng, anh thấy ấp Trung ở thị xã Hồng Ngự. Anh Thanh liền hỏi tổng đài để dò số điện thoại bàn của các hộ gia đình sống trong ấp Trung để hỏi thăm. Kiên trì hỏi thăm sau hơn một tháng thì cũng có người biết và cho biết đó là Quân chứ không phải Thái. Anh Thanh nhờ người hàng xóm báo giùm mẹ Quân. “Mẹ Quân bắt xe tức tốc đi lên trong đêm, rồi sáng ra tất tả chạy vào gặp con. Hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Đó là niềm hạnh phúc không diễn tả được” - anh Thanh nhớ lại.
Hay như anh Lưu Văn Hạ, sau khi điều trị đã nhớ ra nhà ở Hải Phòng. Anh Thanh đã tìm mọi manh mối liên hệ với anh của anh Hạ vào đón về. Anh của anh Hạ mừng khôn xiết, cho biết rằm tháng 7 nào cũng cúng cơm cho em trai vì tưởng chết rồi.
Sẽ tuyên dương 10 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Nhân dịp đầu năm mới 2017, Thành đoàn TP.HCM sẽ tổ chức lễ tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016 vì những nỗ lực, đóng góp cho sự phát triển của TP. Anh Nguyễn Viết Thanh (28 tuổi), trưởng khoa Tâm thần Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (Bình Phước) thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, là một trong 10 gương mặt được vinh danh. Chín gương công dân khác thuộc nhiều lĩnh vực như sinh viên tiêu biểu, gương khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang… Trong đó, em Tô Huỳnh Phúc (11 tuổi), học sinh lớp 6A5 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, là gương nhỏ tuổi nhất. Phúc từng giành nhiều huy chương vàng cấp quốc gia và quốc tế về toán học. Lê Thanh Vũ (26 tuổi), Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng PC45, Công an TP.HCM, không quản hiểm nguy truy bắt tội phạm và ba lần bị phơi nhiễm HIV. Nguyễn Trung Hiếu (30 tuổi) nghiên cứu thành công quy trình sản xuất cá giống lăng nha sinh sản tốt nhất, tỉ lệ trứng nở cao nhất, hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất trên thị trường hiện nay, tạo việc làm cho hàng chục lao động. ___________________________________ Tết đầu tiên vào công tác tại trung tâm, tôi đã gặp ca khó khi vào đêm giao thừa năm 2013, một bệnh nhân lên cơn, quậy phá rất hung dữ. Tôi cùng một đồng nghiệp thức nguyên đêm canh, chuyền thuốc cho bệnh nhân, đo huyết áp liên tục, sợ bệnh nhân ngồi dậy hạ huyết áp. Càng gắn bó với bệnh nhân, tôi càng đồng cảm và thương bởi họ đã mất tất cả, giúp được cho họ gì thì giúp thôi. Anh NGUYỄN VIẾT THANH |